Được dịch từ câu chuyện gốc của James Victore. Bài dịch đã được lược bớt một số chi tiết để giảm bớt sự nặng nề do chứng trầm cảm mang lại. Mong bạn cân nhắc trước khi đọc.
Vào một ngày nắng đẹp tháng Sáu với cơn trầm cảm bao vây
Đó là một ngày mặt trời chói chang, bầu trời trong xanh. Tôi nằm ngửa trên bãi cỏ, lắng nghe tiếng chim hót líu lo. Khi đắm mình trong những tia nắng, tôi nghĩ về những mùa hè đã qua.
Tiếng hải âu kêu quang quác trên bãi biển. Tâm trí tôi trôi ở một không gian mà không có thời gian: Tôi trở lại bãi biển thời niên thiếu, đắm chìm trong một cuốn sách, hoặc nói chuyện với người bạn học cũ.
Trong khoảng 20 phút được tận hưởng “không khí trong lành”, tôi cố quên mình đang ở đâu. Mọi hoạt động của tôi đều được giám sát bởi một trợ lý tâm thần. Trong khi tôi đang choáng váng vì phải sử dụng hàng loạt thuốc chống trầm cảm và chống lo âu trong 10 ngày qua, tôi tìm cách phớt lờ tiếng ồn ào của xe cộ và triệu hồi âm thanh của sóng vỗ.
[…]
Hầu như chỗ này bị cô lập với bên ngoài. Như nhiều người cũng biết, chứng trầm cảm tạo ra một hành tinh của riêng nó. Hành tinh này ngự trị bởi bóng tối. Sau 1 năm nhập viện, tôi cảm thấy bị cô lập trong bóng tối đó, ngay cả khi tôi đang ở trong một căn phòng tràn ngập tiếng trò chuyện và ánh sáng.
Bóng tối đen đặc mang tên trầm cảm
Tôi đã quen ở trong cái bóng tối dày đặc, ảm đạm này. Từ nhỏ, tôi đã chiến đấu với nó bằng nhiều cách. Có lẽ, từ khi sinh ra nó đã ở cùng tôi với hình hài là một chiếc chăn lông màu xám và ngứa ngáy. Nhiều khi tôi cố ý phớt lờ nó.
Tôi đeo một chiếc mặt nạ để che đi bóng tối ấy. Khi xem qua những bức ảnh hồi nhỏ của tôi, nhiều người ngạc nhiên rằng tôi khá tinh nghịch với đôi mắt lấp lánh và nụ cười rạng rỡ.
Khi lên năm hay sáu tuổi, tôi thấy có gì đó sai sai. Tôi sống trong gia đình đông con và ít tình thương. Thứ mà tôi nhận được nhiều nhất là sự bạo hành từ cô bảo mẫu và người mẹ không mấy tử tế.
Năm tám tuổi, tôi không muốn đến trường vì sợ hãi. (Nghĩ lại điều này, dường như tôi của thời bé đã muốn nói với gia đình mong muốn sâu thẳm của một người trầm cảm là được ở nhà thay vì tiếp xúc với thế giới đầy đe dọa ngoài kia.) Đến mười tuổi, tôi phải nhập viện vì thường xuyên khóc lóc.
Khi trưởng thành, tôi luôn tự hỏi: Sẽ như thế nào nếu có cái nhìn tích cực hơn? Một cuộc sống dễ dàng có phải chỉ là sự ảo tưởng? Một người có thể thức dậy vào buổi sáng mà không bị giam giữ bởi những suy nghĩ ủ rũ không:
Nên hay không nên? Sao lại là bạn? Tại sao không? Không còn hy vọng nữa, đã quá muộn, luôn luôn là quá muộn.
Bị chi phối bởi tâm trí là điều tồi tệ nhất
Bạn không tìm ra lối thoát. Bạn không thể chạy trốn khỏi bản thân. Nỗi buồn thấm sâu dưới lớp da của vạn vật. Nó như máu, như một giọt nước, và kết thúc như một vết xuất huyết, vấy bẩn mọi thứ. Đó là một nỗi buồn mà dường như không ai muốn nói ra ở nơi công cộng, kể cả trong thời đại này. Bạn cũng sẽ không muốn chia sẻ cho ai dù họ có sẵn lòng lắng nghe đến thế nào chăng nữa.
Trầm cảm vừa là một chủ đề nhàm chán lại vừa quá nhạy cảm để nói với người khác. Cuối cùng, bạn lại rơi vào ngục tối – một nơi có mùi xạ hương, thiếu ánh sáng và quá nhiều rào cản.
Tôi đã khám với bác sĩ tâm lý suốt bốn thập kỷ và nói về mong muốn được chết của mình theo cách mà người khác có thể nói về mong muốn tìm được người yêu của họ.
Nỗi kinh hoàng thầm lặng của chứng trầm cảm không biết mất hoàn toàn. Nó lảng vảng đâu đó do được xoa dịu tạm thời bằng thuốc. Nó chờ đợi để quay lại mà không bị phát hiện. Bạn vẫn cảm nhận nó đang ở đó. Nó lôi kéo bạn, khiến bạn không bao giờ có được cảm giác thoải mái hoàn toàn. Tệ nhất là nó thích đến lúc nào thì đến, xuân hạ hay thu đông.
Tôi trước khi vào viện
“Cơ duyên” để tôi để nhập Viện Tâm thần Bang New York là vào giao thừa năm 2007. Bất chấp tâm trạng u ám của mình, tôi vẫn cố gắng lên đồ đi dự một buổi tiệc kiểu New York. Chúng tôi nói chuyện về những điều đang diễn ra – trẻ em, trường học, các vở kịch,…
Nhưng ngay cả khi tôi nói chuyện và cười đùa với những vị khách khác, suy nghĩ của tôi vẫn đen tối, đấu tranh, tàn nhẫn. Bạn là một kẻ thất bại. Một gánh nặng. Vô ích. Tệ hơn là vô dụng: vô giá trị.
Già nửa đêm, tôi xem pháo hoa và nhìn chằm chằm vào những chùm màu sắc bùng nổ – đỏ, trắng và xanh lam,…. Con gái 17 tuổi của tôi, Zoë, đang đứng gần đó. Khi nhìn vào pháo hoa, tôi đã gửi lời cầu xin lên bầu trời. Làm cho tôi tốt hơn. Làm cho tôi nhớ lại khoảnh khắc đắm chìm trong pháo hoa, năng lượng của sự vật. Hãy để tôi tiến về phía trước.
Sáu tháng tiếp theo, tôi chống chọi với chứng trầm cảm bằng tất cả những gì mình có. Thoát khỏi cơn nghiện đọc sách, nhận một số bài tập viết, […] Mặc dù nhiều trường hợp trầm cảm có thể tự khỏi trong vòng một năm, dù có điều trị hay không, nhưng đôi khi chúng vẫn bám chặt và không buông bỏ, ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cho đến khi tự tử dường như là lối thoát duy nhất.
Tôi đã bỏ mọi sự ngụy trang
Tỉnh táo làm tôi đau nên tôi chỉ ngủ. Buổi sáng là thời điểm tồi tệ nhất: Tôi dậy muộn hơn. Đầu tiên là 11 giờ, sau đó là buổi trưa, tiếp theo tới 2 giờ chiều, ngày đã trôi qua được 3/4. Tôi chưa gặp một người trầm cảm muốn ra khỏi giường vào buổi sáng. Thay vì thức dậy, họ ôm lấy màn đêm đã biến mất.
Khi tỉnh dậy (trong vài giờ đồng hồ), tôi cảm thấy một sự mệt mỏi chết người, như thể tôi đang bơi trong nhựa đường. Tin nhắn điện thoại không được trả lời. E-mail chưa đọc. Trong trạng thái trì trệ nhưng kích động, tôi không còn có thể tập trung đủ lâu để đọc – một tiêu đề trên báo – và ý tưởng viết lách đối với tôi cũng xa lạ như một cuộc đua xuống dốc.
Tôi hầu như không ăn. Tôi đã giảm hơn 13 cân. Về cơ bản, tôi đã không còn giao tiếp với ai. Khi tôi nói, chủ yếu là về mong muốn được tự tử của tôi. Đó là một mong muốn chưa bao giờ xa vời trong tâm trí tôi nhưng những lúc như thế này lại trở nên dai dẳng.
[…]
Tôi đã khám với bác sĩ tâm thần và trị liệu với tham vấn viên tâm lý.. Cả hai đều khuyên nhập viện. Những tác nhân gây căng thẳng khiến tôi bị ngạt thở. Đây là hậu quả còn sót lại sau cái chết của mẹ tôi hai năm trước đó; sự chia ly sắp xảy ra với cô con gái đang học đại học của tôi; liệu pháp đã đi sai hướng; một mối tình lãng mạn đã trở nên tồi tệ.
[Còn tiếp]