“Mình đã lâm vào tình trạng khó xử một thời gian dài. Mình làm marketing. Trên mình có một chị sếp trực tiếp. Hai chị em vẫn luôn ăn ý từ công việc đến những chuyện bên lề cuộc sống như crush, sở thích.

Chuyện khó xử giữa chúng mình xảy ra khi “Đại Đế” (Giám Đốc) muốn cho Chị nghỉ. Mình nghe phong thanh do quen biết với một đồng nghiệp thân tín của “Đại Đế”. Lý do cho sự sa thải này là Chị không hợp với văn hóa công ty. (Woww, đến giờ mình vẫn không thể nào phục được lý lẽ này 😡).

Ban đầu, “Đại Đế” tỏ ra lạnh nhạt với Chị. Chị không được tham gia những cuộc họp quan trọng. “Đại Đế” không công nhận công lao của Chị mà lại khen cấp dưới. Chị thấy kỳ, nhưng vẫn bỏ qua và chủ động tham gia vào các dự án tiếp theo. 

Khi thấy chiêu này không “si nhê” gì, “Đại Đế” chuyển sang la mắng, chấn chỉnh vô cớ. Chị thường xuyên phải chịu những lời bóng gió về năng lực và kỹ năng của mình. Đỉnh điểm của sự việc xảy ra khi “Đại Đế” chê bai Chị trước cả đội, và yêu cầu chị “theo” mình đi phỏng vấn khách hàng. Cả team và Chị nhìn mình một ánh mắt khác. Mọi người nghĩ mình thế này thế kia.”

Lòng không muốn giữ, nhưng không thừa nhận đuổi

Quiet firing là một tình trạng phổ biết tại các doanh nghiệp hiện nay. Khi mà các “Đại Đế” muốn “đuổi khéo” nhân viên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Bạn có biết 🤔 Công ty có thể bị phạt từ 5-40 triệu nếu sa thải nhân viên không có lý do; và buộc phải thuê lại nhân viên, bồi thường tổn thất những ngày lương bị mất. Pháp luật Việt Nam ra nhiều điều luật bảo vệ người lao động. Vì thế, khi không có cách nào “đuổi”, các “sếp” sử dụng chiêu bài quiet firing để đạt được mục đích.

“Em rất tốt nhưng anh rất tiếc”!

Doanh nghiệp ở vào một tình thế phải cắt giảm nhân sự do khó khăn tài chính. Nhưng, nhất thời họ không tìm cách nói thẳng với nhân viên. Đặc biệt, với văn hóa phương Đông, it ai muốn nói những điều tiêu cực một cách trực diện.

Người bị sa thải có kết quả làm việc không được như kỳ vọng nhưng công ty chưa có lý lẽ thuyết phục. “Làm việc hiệu quả” là một cụm từ khó định lượng. Nhất là với những bộ phận ít liên quan tới “số” như branding, hành chính,… Vì thế, chủ công ty thường không có bằng chứng cụ thể để trả lời cho việc người đó có làm hiệu quả hay không. Theo đó, đuổi việc trực tiếp là sai luật lao động. Thế nên, người ta “đành” dùng cách này.

Có nhiều cách thức để “đuổi khéo” như “lờ lớ lơ”, không cho người ấy tham gia vào cuộc họp quan trọng, cố gắng hạ bệ đối phương,… Quá trình này diễn ra trong vòng vài tuần tới vài tháng. Đến khi “khổ chủ” không chịu nổi nữa phải đâm đơn nghỉ việc.

Quiet firing | Đuổi hay không đuổi

Quiet firing chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Một khảo sát của LinkedIn chỉ ra rằng có 48% đáp viên chứng kiến tình trạng này, 35% đã trải qua (mẫu 20000 người). Nhiều người nói rằng họ không biết mình bị “đuổi khéo” cho đến khi nộp đơn từ chức. 

Nhiều người biết đồng nghiệp của mình bị “quiet firing” nhưng chọn cách im lặng. Lý do là vì sợ. “Nếu lên tiếng, người tiếp theo có thể là mình thì sao?”. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các “Đại Đế” nỗ lực tinh giảm nhân sự.

Xây dựng văn hóa công ty để hạn chế Quiet Firing

Nhiều công ty đang có cách tuyển dụng chưa hiệu quả. Mô tả công việc chưa rõ ràng; cấu trúc phòng ban chưa cụ thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tuyển sai người.

Bồi dưỡng nhân sự kịp thời thay vì âm ỉ đuổi. Thay vì tốn thời gian từ hai đến ba tháng bóng gió, dồn ép nhân sự nghỉ việc, các sếp có thể cho họ cơ hội thứ hai bằng cách đào tạo họ. Thay vì chỉ nhìn bề ngoài người này làm không hiệu quả, các “Đại Đế” hãy:

  • “Em đang gặp khó ở đâu?” “Vì sao điều này khó với em?”
  • “Em đã làm gì để vượt qua khó khăn đó?”. “Anh/chị thấy cách của em chưa hiệu quả như mong đợi, em có thể thay bằng cách này của anh/chị khoảng 2 tuần xem có ổn hơn không?”
  • “Em cần anh/chị giúp gì?” 

“Mất lòng trước, được lòng sau”. Công ty nên thẳng thắn nói về kỳ vọng của mình với nhân viên và người lại. Thành thực mà nói, công ty không phải là một gia đình. Công ty là một đội bóng. Nếu trong gia đình, bạn phải tương trợ người thân dù họ có dở tới mức nào. Nhưng đã là một đội bóng, người chơi không tốt sẽ bị ra sân. 

Lời kết

Với mình, quiet firing nên được hạn chế. Hiện tượng này làm lãng phí nguồn lực của công ty và gián tiếp gây ra ảnh hưởng tâm lý xấu đến nhân viên. 

Hãy follow Carota để đọc thêm nhiều câu chuyện nữa nhé:

Categories: KỂ TỚ NGHEKHÁC