Không phải bạo lực nào cũng là thể chất. Có những dạng bạo lực tinh thần và cảm xúc mà vết thương của nó nhức nhối đến suốt cuộc đời.

*Cảnh báo: bài viết chứa nội dung có thể gây kích động. Bạn cân nhắc trước khi đọc.

Hình phạt “chết tâm” của mẹ

“Mình không thể nhớ có lúc nào mẹ hài lòng với mình.

Mình có thể mô tả mẹ mình là một người phụ nữ cay nghiệt không? Không có cái gì là đủ tốt với mẹ. Bất kể thứ gì mình làm, đều chướng tai gai mắt. Mẹ luôn khiến mình thấy bản thân là thứ tệ hại của tệ hại.

Năm mình năm tuổi, mình làm vỡ cái chén uống nước. Mẹ dí những mảnh vỡ đó tận mặt mình. Sau đó, bà nhiếc móc mình là đồ vô ơn. Mẹ hối hận lên màng rằng đừng sinh ra còn hơn. Mình nhớ mình đã khóc ghê lắm.

Ba mẹ mình cũng chỉ là những người lao động bình thường, đổi sức lấy miếng cơm. Và mẹ chắc chắn không bao giờ để mình quên điều đó. Luôn có một nỗi sợ vô hình như tảng đá treo lơ lửng trên đầu mình. Nếu mình không làm tốt, mình đang phản bội ba mẹ. 

Hồi đó mình học rất chậm môn tiếng Anh. Mình không hiểu các khái niệm động từ hay ngôi thứ. Bộ não của một đứa trẻ tiểu học không giúp mình tư duy những thứ trừu tượng như vậy. Lũ bạn trong lớp đều đi học thêm tiếng Anh, nhưng nhà mình không có tiền. Ngày mình nhận điểm 2 kiểm tra tiếng Anh, mình khóc nấc lên. Mình khóc suốt đoạn đường từ trường về nhà. Mình không thể nhớ lúc đó đã nghĩ gì, nhưng mình đã cực kì sợ hãi. Về đến nhà, mình tự đứng úp mặt vào tường. Mình cứ đứng khóc rấm rứt như thế cho đến khi mẹ đi làm về. 

Mình đã ước mong, nếu mẹ thấy mình biết lỗi, mẹ sẽ không mắng mình. Mẹ đã không mắng. Mẹ chỉ trở nên cực kì im lặng. Những ngày sau đó, mình như không tồn tại trong mắt mẹ. Lúc đó mình mới biết rằng, có thứ còn đáng sợ hơn đòn roi. Nếu mẹ đánh mắng mình, mình còn biết mình có thể sửa lỗi. Trước sự im lặng của mẹ, mình trở thành thứ bỏ đi, thứ đồ thừa.

Mình bắt đầu học cách quay cóp và chép bài để đạt điểm cao. Mình chưa bao giờ là một học sinh sáng lạng trong lớp. Nhưng mình vẽ rất đẹp. Mình đã mơ ước trở thành một nhà thiết kế thời trang. Ngày mà mẹ phát hiện những hình vẽ trong cuốn tập của mình, mẹ bĩu môi và nói: “chỉ biết chép lại mẫu mà cũng đòi thiết kế.” Mẹ không cần phải xé cuốn tập của mình. Mình tự xé nó. Từ lúc ấy một cảm giác tội lỗi và hổ thẹn cứ thế ăn sâu vào tận xương tủy mình. Mình là một kẻ giả mạo! Một đứa chỉ biết đi trộm cắp từ người khác.

Hình phạt "chết tâm" của mẹ

Mình bị bắt nạt ở trường, không ai hay biết. Mình không dám kể với mẹ. Nếu mình kể, mẹ sẽ lại khoát tay cho mình im đi. “Mày không biết cuộc đời mẹ khổ hơn mày biết bao nhiêu hay sao?” Mấy chuyện trẻ con ấy có gì để nói? Thực lòng, mình đã tin vào điều ấy. Mình không kể không chỉ bởi mình sợ phản ứng của mẹ. Một phần sâu thẳm trong mình, mình thấy mình bị vậy là đáng lắm. Cái thứ như mình đáng bị trừng phạt và nguyền rủa.

Sự hổ thẹn ấy ăn mòn con người mình như acid. Mình co cụm lại và không dám tiến lại gần ai. Mình không thể tắt đi cái tiếng nói trong đầu mình rằng mình là một đứa thảm hại. Không ai muốn mình. Cũng không ai cần mình.

Tiếng nói ấy rầy la mình cả trong đêm. Mình không thể ngủ. Cả người bải hoải và những suy nghĩ miên man đó lại tiếp tục. Mình tìm đến rượu, rồi thuốc lá. Nhưng mình cũng không có nhiều tiền để phung phí vào những thứ đó. 

Rồi mình phát hiện ra, có một cách khác có thể giúp câm lặng những suy nghĩ đó và để mình yên. Mình c*t tay. Nó khiến tâm trí mình tĩnh lặng. Nhưng mỗi lần nhìn những vết cắt, mình lại càng hổ thẹn hơn.

Mình mặc áo dài tay ngay cả trong mùa hè để không ai trông thấy. Mẹ mỉa mai mình không biết nóng sao, cái thứ lập dị. Nhưng mình không còn quan tâm nữa. Mình vẫn sống nhưng một phần trong mình đã ch*t rồi. Cuộc đời mình trôi qua như nhìn chiếc đồng hồ cát. Mình không biết khi nào chỗ cát kia sẽ không còn.”

COERCIVE PARENTING – “Giáo dục” bằng thao túng

Đó chỉ là một trong muôn vàn những câu chuyện đau đớn chỉ có thể được nói ra trong phòng tham vấn. Và chắc chắn ngoài kia còn nhiều câu chuyện như vậy chưa bao giờ được nói ra. Sự hổ thẹn là con quái vật hành hạ tâm trí người ta. Nhưng cũng lại chính nó đang hàng ngày hàng giờ rủ rỉ với ta rằng ta mới là vấn đề. “Vì mày là thứ đồ bỏ, tất cả là vì mày.” “Đừng có nói ra, không ai thèm quan tâm đến thứ như mày đâu.” Nó khiến chúng ta tự đâm mũi giáo vào chính mình trong khi những móng vuốt của nó cứ siết lại chặt hơn, chặt hơn.

Giáo dục bằng thao túng

Thay vì trừng phạt thân thể, người ta cổ xúy nhau dùng thuật “chết tâm”

Họ khiến đứa trẻ phải day dứt, thống khổ, tự hành hạ tinh thần nó vì “tội lỗi” mà nó gây ra. Người ta trừng phạt đứa trẻ bằng sự im lặng. Người ta ngạo nghễ trước cách thức mới này. “Chà, chẳng tốn lấy một lời, một đòn roi mà đâu vẫn vào đấy.”

Bạo lực tinh thần bằng sự đổ lỗi

“Tất cả là vì mày.” Nếu tao có giận dữ, đó là vì mày. Mày có bị đánh, đó cũng là vì mày đáng bị thế. Nếu mày không hiểu vì sao mày lại bị như vậy, đó cũng là vì mày nốt. Tao không có trách nhiệm để phải giải thích cho mày.

Để trù dập khả năng suy nghĩ độc lập của đứa trẻ, họ thể hiện sự xem thường hoặc bóp méo mỗi khi trẻ phát biểu suy nghĩ của mình. “Non nớt, biết gì mà nói.” Họ thậm chí ngăn cản đứa trẻ tiếp xúc với bất kì nguồn thông tin nào chống lại họ. Như mụ phù thủy muốn giam cầm công chúa trong tòa tháp, họ thủ thỉ vào tai trẻ những điều tiêu cực. “Tất cả lũ người ngoài kia là kẻ xấu. Chỉ có mẹ mới biết điều gì là tốt nhất cho con.”

Rồi họ “tắm” đứa trẻ trong những lời khen giả dối khi đứa trẻ phục tùng họ. Nhưng cứ chờ xem, chỉ cần đứa trẻ hành xử khác đi, cơn cuồng nộ sẽ trút xuống với những lời miệt thị, mỉa mai hay hình phạt im lặng.

Có những đứa trẻ bị bạo lực tinh thần bởi cảm giác tội lỗi và hổ thẹn

Chúng không dám đòi hỏi bất kì điều gì cho mình. Các em trở nên không chỉ ngoan, mà còn lặng lẽ, hết sức lặng lẽ. Chúng không còn dám cả ước mơ. Bởi, chúng không tin mình xứng đáng với điều gì tốt đẹp. Chúng cũng không chắc mình muốn gì trong cuộc sống. Vì, bất kì ý tưởng nào chúng từng có, đều bị phũ phàng phủ nhận. Chúng làm như được bảo.

Có những đứa trẻ khác trở nên đặc biệt lo âu. Chúng luôn bất an và sợ hãi. Chúng tính toán mọi cách để làm vừa lòng cha mẹ, để không rơi vào “tầm ngắm” của lăng mạ và chỉ trích.

Rất nhiều trong số chúng vật lộn với vấn đề dạ dày và tiêu hóa khi trưởng thành. Một số sẽ trở thành những “workaholic” – kẻ “nghiện việc” hay “overachiever” – nghiện “thành công.” Chỉ khi vắt kiệt sức mình chúng mới thấy bản thân có chút giá trị. Chỉ khi vắt kiệt sức mình, tiếng nói rầy la chúng vô dụng mới tạm ngừng.

Lại có những đứa trẻ học cách đi bạo lực tinh thần người khác

Bằng cách nào? Chúng nhập tâm những giá trị và quan điểm của kẻ thao túng. Chúng từ bỏ ý thức của riêng mình. Nếu chúng từng có ước mơ, giờ đây chúng cũng sẽ từ bỏ, thậm chí chà đạp lên ước mơ trước đây của mình như cách mà kẻ thao túng làm với ước mơ đó.

Nếu có ai cố gắng chỉ cho chúng thấy chúng đang bị thao túng, người đó sẽ phải giật mình ngạc nhiên trước phản ứng thù địch mà chúng dành cho họ. Đó là bởi giờ đây, chúng trở thành một phần nối dài của chính kẻ thao túng mình. Chúng đánh mất mình.

Những mô tả trên đây, dù mang tính đại diện, chưa bao giờ có thể lột tả được hết những hậu quả tâm lý sâu sắc và đau đớn mà một đứa trẻ phải gánh chịu bởi cách thức “giáo dục” bằng thao túng. Có những vết thương sẽ đi theo cả cuộc đời. 

Lời nhắn nhủ cho cha mẹ

Đừng vì khao khát mù quáng “con ngoan vâng lời” mà biến con thành con rối không cảm xúc.

Đừng vì khao khát mù quáng “con như con nhà người” mà vùi dập ước mơ và thui chột năng lực của con.

Cũng đừng lấy con ra để khỏa lấp những tổn thương mình có. Để rồi cho rằng con phải thành công (để khỏa lấp cảm giác thất bại trong mình). Hay con phải vâng lời (để khỏa lấp cảm giác thua kém hay trống trải trong mình).

Lời nhắn nhủ cha mẹ

Ai cũng có trong mình những tổn thương. Ai cũng có lúc hành xử thiếu cân nhắc. Không có cha mẹ hoàn hảo, cũng như không có một con người hoàn hảo. Nhưng cha mẹ cần tỉnh táo, đặc biệt tỉnh táo. Trong thời đại mà thông tin được chia sẻ nhan nhản và bất kì ai cũng có thể trở thành “chuyên gia giáo dục” hay “chuyên gia tâm lý”, cha mẹ cần học cách sàng lọc thông tin.

Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ dễ dàng. Bất kì phương pháp nào được hứa hẹn khiến con vâng lời nhanh chóng đều cần được soi xét kĩ, bởi rất có thể, cái giá phải trả cho sự nhanh chóng ấy chính là sức khỏe và tiềm năng phát triển của con. 

Categories: KỂ TỚ NGHE