Chúng ta thường hay tự đùa mình là “con nghiện mua sắm“ như một cách nói vui. Thế nhưng, khi hành vi mua sắm trở nên mất kiểm soát và để lại những hậu quả cả về tài chính và tinh thần cho bạn, đó là vấn đề sức khỏe tâm lý thực sự và cần được can thiệp kịp thời.
“Nghiện” mua sắm có phải một bệnh thật không?
Nghiện mua sắm là một rối loạn tâm lý có thật. Đôi khi chúng ta xem nhẹ vấn đề hoặc coi đó như một điểm yếu trong tính cách. Quan niệm này không đúng. Ước tính có khoảng 5% người trưởng thành mắc rối loạn mua sắm không kiểm soát, theo điều tra của tạp chí Nghiện (Addiction) năm 2016.
Mặc dù hành vi nghiện mua sắm chưa được coi là rối loạn tâm lý – tâm thần chính thức theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-5). Hành vi “vung tay quá trán” có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng về tinh thần và tài chính.
12 dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị “nghiện” mua sắm
1. Mua sắm là “trạng thái mặc định” của bạn.
Một người bạn qua chơi, bạn ngay lập tức nghĩ đến việc đi mua sắm. Mặc dù bạn không biết bơi, bạn nhất định phải mua vài bộ đồ bơi. Nếu mọi lý do bạn có đều dẫn đến việc phải mua thêm đồ, bạn có thể đang mất kiểm soát với hành vi mua sắm.
2. Bạn không có sở thích nào ngoài việc mua sắm.
Việc tiêu tiền nên là để phục vụ một mục tiêu cao hơn nào đó. Nếu tiêu tiền chỉ là để tiêu tiền, rất có thể mua sắm đang chiếm quá nhiều thời gian và không gian trong cuộc sống của bạn.
3. Bạn mua những thứ mình không cần (và không bao giờ dùng).
Ai trong chúng ta cũng đều đôi lúc “tự thưởng” cho mình một món đồ nào đó. Thế nhưng, nếu bạn phải tìm đủ mọi lý do để biện minh cho việc mua thứ gì đó, khả năng cao món đồ đó chẳng mang lại giá trị gì cho cuộc sống của bạn. Đặc biệt là khi bạn chưa từng sử dụng nó bao giờ! Nếu bạn có rất nhiều đồ vẫn còn nguyên nhãn mác, đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng các quyết định mua sắm của bạn đang bị chi phối bởi cảm xúc, chứ không phải bởi nhu cầu hoặc mong muốn thực sự.
4. Bạn luôn trả lại đồ đã mua.
Bạn có thường xuyên hủy đơn, xả hàng sau khi đã chốt? Để rồi sau đó bạn lại tiếp tục đặt đơn mới? Nếu vậy, có thể bạn chỉ đang mua sắm chỉ vì cảm giác phấn khích lúc chốt đơn.
5. Bạn mua sắm để trốn tránh cảm xúc tiêu cực.
Bạn có hay lượn shopee mỗi khi gặp căng thẳng? Hoặc “tự thưởng” mỗi khi công việc mệt mỏi? Tiêu tiền có thể đã trở thành một cơ chế đối phó với áp lực trong cuộc sống của bạn.
6. Bạn cảm thấy mất kiểm soát.
Nỗi bứt rứt và tội lỗi dâng lên mỗi khi hàng giao đến cửa. Bạn day dứt vì không thể ngăn bản thân tiêu tiền. Mua sắm dường như chiếm toàn bộ suy nghĩ của bạn. Đôi lúc bạn cảm giác như mình chỉ là người ngoài cuộc, bất lực nhìn chính bản thân chốt đơn mà không dừng lại được.
7. Chi tiêu quá mức ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt khác trong cuộc sống.
Bạn có đang lãng phí thời gian vốn dành cho công việc để lượn lờ các sàn bán hàng online? Bạn thức đêm thức hôm để săn deal dù biết ngày mai bạn sẽ “tả tơi” vì thiếu ngủ? Thẻ tín dụng của bạn luôn chạm hạn mức. Thậm chí bạn phải rút tiền từ tài khoản tiết kiệm để chi tiêu. Nếu bạn đang bỏ bê những gì quan trọng để đáp ứng nhu cầu mua sắm, có thể bạn đã trở thành “con nghiện mua sắm”.
8. Bạn cảm thấy hối hận hoặc tội lỗi sau khi mua sắm.
Nếu bạn cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ sau những lần mua sắm bốc đồng, đó là dấu hiệu cảnh bảo bạn đã rơi vào cái bẫy của nghiện shopping.
9. Bạn nói dối về những gì đã mua.
Chúng ta không che giấu những hành vi chúng ta cho là không tốt hoặc khiến mình xấu hổ. Nếu bạn thấy bản thân phải nói dối quanh co, hay cố gắng che đậy những đơn hàng lũ lượt được ship đến, bạn có thể đang đối mặt với chứng nghiện mua sắm.
10. Bạn tham gia vào các hoạt động phi pháp.
Trộm cắp, ăn cắp tiền, hoặc làm giả chứng từ hóa đơn đều là dấu hiệu cho thấy chứng nghiện mua sắm của bạn đã leo thang đến mức nguy hiểm.
Nếu bạn nhận thấy mình trong danh sách này, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà tham vấn – trị liệu tâm lý chuyên nghiệp. Bạn chưa “hết thuốc chữa”. Bạn hoàn toàn có khả năng lấy lại kiểm soát với hành vi mua sắm của mình.