Bạn có biết trầm cảm không chỉ có một dạng. Thường “trầm cảm” được dùng để chỉ rối loạn trầm cảm điển hình. Tuy vậy, có nhiều dạng trầm cảm khác. Mỗi dạng đặc trưng bởi nhiều biểu hiện tương tự nhau ở mọi người. Một số có thể xuất hiện ở một khoảng thời gian cụ thể. Chẳng hạn, trầm cảm sau sinh xảy ra sau sinh nở. Hay trầm cảm theo mùa xảy ra vào mùa đông. Dưới đây là 8 dạng trầm cảm thường gặp bạn nên biết.

1. Trầm cảm điển hình (major depressive disorder)

Trầm cảm điển hình cũng thường được gọi tắt là trầm cảm, hay rối loạn trầm cảm. 

Biểu hiện của trầm cảm điển hình là cảm giác buồn chán, u uốt gần như mọi lúc. Đi kèm với đó là mất hứng thú với các hoạt động bạn vốn yêu thích. 

Trầm cảm điển hình thường được chẩn đoán theo 3 mức độ – nhẹ, vừa, nặng. 

Bạn có thể có trầm cảm điển hình nếu các biểu hiện của bạn :

  • Xảy ra hầu hết mọi ngày
  • Kéo dài ít nhất 2 tuần 
  • Tác động sâu rộng đến cuộc sống, công việc, và các mối quan hệ của bạn

Đọc thêm về các biểu hiện và triệu chứng của trầm cảm điển hình. 

Ước tính khoảng 30% nam giới mắc trẩm cảm tại một thời điểm nào đó trong đời.

2. Trầm cảm trường diễn (melancholia)

Trầm cảm trường diễn là một dạng nặng của trầm cảm điển hình, thường biểu hiện

  • Cử động chậm chạp 
  • Cảm thấy ủ dột, trống rỗng
  • Không còn khả năng cảm thấy hứng thú với bất kì điều gì

Điều trị dạng trầm cảm này đặc biệt thách thức. Là do trầm cảm trường diễn không đáp ứng tốt với các phương pháp trị liệu phổ biến như dùng thuốc hay tham vấn tâm lý. 

3. Trầm cảm đi kèm triệu chứng loạn thần (psychotic depression)

Đôi khi, trầm cảm đi kèm các biểu hiện “đứt kết nối” với thực tại. Người bệnh có thể có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng hay ảo giác. 

Hoang tưởng. Hoang tưởng bao gồm các dạng niềm tin kì lạ, phi thực tế. Ngay cả khi có bằng chứng cho thấy niềm tin đó sai lệch, người bệnh cũng không thay đổi. Chẳng hạn, người bệnh có thể tin rằng mình đang bị theo dõi bởi đặc nhiệm. Hoặc, người bệnh tin rằng mình là vĩ nhân, sẽ cứu cả thế giới.

Ảo giác. Ảo giác là khi bạn nghe thấy hoặc nhìn thấy những thứ không có ở đó. Người bệnh có thể nghe thấy tiếng nói của người thân hoặc một giọng nói hoàn toàn xa lạ. Trong một số trường hợp, có thể có các dạng ảo giác khác như về xúc giác. Ví dụ như cảm giác ròi bò dưới da.

4. Trầm cảm trước sinh và trầm cảm sau sinh (antenatal và postnatal depression)

Nguy cơ mắc trầm cảm thường cao hơn trong giai đoạn mang thai và kép dài một năm đầu sau khi sinh. Trong giai đoạn mang thai, ước tính khoảng 10% phụ nữ có trầm cảm. Trong vòng 3 tháng sau sinh, tỉ lệ này tăng lên 16%. 

Khoảng 80% phụ nữ trải qua cảm giác buồn và lo lắng trong những ngày đầu sau sinh. Hiện tượng này thường được gọi là “baby blues”. Bạn có thể cảm thấy quá nhiều cảm xúc và dễ khóc. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ qua đi sau một vài ngày cùng sự hỗ trợ và quan tâm của gia đình. 

Baby blues xảy ra do những thay đổi về hóc-môn trong cơ thể sau khi sinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn bị trầm cảm. 

Ước tính cứ 10 phụ nữ thì có 1 người mắc trầm cảm sau sinh.

5. Trầm cảm dai dẳng (dysthymic disorder)

Các triệu chứng của trầm cảm dai dẳng giống với trầm cảm điền hình. Tuy vậy, các triệu chứng thường ở mức độ nhẹ hơn. Để chẩn đoán trầm cảm dai dẳng, các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 2 năm. 

6. Rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder)

Còn được gọi là chứng hưng – trầm cảm. Rối loạn này bao gồm hai pha – pha trầm cảm và pha hưng cảm. Giữa các pha thường đan xen các giai đoạn không triệu chứng. 

Pha trầm cảm bao gồm các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm điển hình. 

Pha hưng cảm thường bao gồm các biểu hiện:

  • Cảm thấy đặc biệt hứng khởi hoặc phấn chấn 
  • Dồi dào năng lượng (dù ngủ rất ít) 
  • Suy nghĩ tuôn trào, tốc độ nói nhanh 
  • Khó tập trung 
  • Cảm thấy bứt rứt hay bức bối 

Một số người trong giai đoạn hưng cảm có thể mất kết nối với thực tế và biểu hiện loạn thần. Họ có thể có hoang tưởng hoặc ảo giác. 

Có nhiều khó khăn để chẩn đoán rối loạn lưỡng cực. Thường là do người bệnh không đi khám khi đang có biểu hiện hưng cảm. Nếu bạn trải nghiệm giai đoạn tâm trạng tốt bất thường, bạn nên đi gặp chuyên viên tâm lý hay bác sĩ để đánh giá. 

Đọc thêm về Rối loạn lưỡng cực.

7. Rối loạn trầm cảm theo vòng (cyclothymic disorder)

Rối loạn trầm cảm theo vòng tương tự rối loạn lưỡng cực nhưng ít nghiêm trọng hơn. Dạng rối loạn này thường kéo dài ít nhất 2 năm. 

Nếu bạn có rối loạn trầm cảm theo vòng, các pha trầm cảm và hưng cảm sẽ nhẹ hơn và ngắn hơn. Giữa các pha là giai đoạn “bình thường”, hầu như không có triệu chứng. Các giai đoạn này có thể kéo dài tới 2 tháng.

8. Trầm cảm theo mùa (seasonal affective disorder)

Dạng trầm cảm này có chu kì theo mùa. Thường gặp nhất là dạng trầm cảm vào mùa đông, và tốt lên vào các tháng mùa hè. 

Các biểu hiện của trầm cảm theo mùa là:

  • Thiếu năng lượng
  • Ngủ quá nhiều 
  • Ăn nhiều và tăng cân 
  • Thèm tinh bột 

Trầm cảm theo mùa được cho là có nguyên nhân từ sự khác biệt về mức độ tiếp xúc với nắng mặt trời. Thường bác sĩ chỉ đưa ra chẩn đoán này nếu các triệu chứng của bạn xảy ra vào mùa đông hàng năm trong vài năm. Những người sống ở các vùng ít năng mặt trời thường có nguy cơ mắc rối loạn này cao hơn. 

Đừng ngần ngại đặt lịch với tham vấn viên của Carota để được đánh giá và hỗ trợ kịp thời. 

Tham khảo: https://www.beyondblue.org.au/mental-health/depression/types-of-depression#{4B4502C6-A9B2-4D5F-9CC4-125853B66486}