Rối loạn lưỡng cực là gì? 

Rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) là một dạng rối loạn khí sắc đặc trưng bởi hai pha hưng cảm và trầm cảm.

Trong pha hưng cảm (mania), người có rối loạn cảm thấy hứng khởi và dồi dào năng lượng khác thường. Đi kèm với đó là trạng thái bồn chồn và suy giảm khả năng kiểm soát hành vi. Điều này dẫn đến những quyết định bốc đồng nhiều khi gây thiệt hại về sức khỏe hay tài chính. Một số cá nhân trong pha hưng cảm cũng biểu hiện triệu chứng hoang tưởng hoặc ảo giác. Triệu chứng của pha hạ hưng cảm (hypomania) tương tự như pha hưng cảm nhưng ở mức độ nhẹ hơn. 

Trong pha trầm cảm, người có rối loạn những triệu chứng của trầm cảm điển hình (major depressive disorder). Hai đặc trưng thường thấy là cảm giác buồn bã và mất hứng thú trong các hoạt động thường ngày.  

Tâm trạng thất thường. Lúc vui lúc buồn. Liệu đó có phải rối loạn lưỡng cực?

Chu kì hưng – trầm cảm

Rối loạn lưỡng cực gồm nhiều chu kì. Một chu kì tính từ thời điểm khởi phát của một pha đến thời điểm khởi phát pha tiếp theo. Chỉ một số ít người thay đổi luân phiên giữa pha hưng cảm và trầm cảm trong mỗt chu kỳ. Trong đa số các trường hợp, một trong hai pha sẽ nổi trội hơn pha còn lại. Nhìn chung, pha trầm cảm thường kéo dài hơn pha hưng cảm. 

Ở một số người, các chu kì không xuất hiện thường xuyên. Chu kì có thể chỉ xuất hiện một vài lần trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, một số người có chu kì nhanh (rapid cycling) – được định nghĩa có ≥ 4 chu kì/năm.

Phân loại rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực I

Được đặc trưng bởi sự xuất hiện của pha hưng cảm. Cá nhân trải qua ít nhất một pha hưng cảm (mania) kéo dài ít nhất 7 ngày. Hoặc họ phải có những biểu hiện hưng cảm nghiêm trọng đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp. Pha trầm cảm hoặc hỗn hợp (cả hưng trầm cảm) có thể đến trước hoặc sau.

Rối loạn lưỡng cực II 

Được đặc trưng bởi sự xuất hiện của pha trầm cảm và hạ hưng cảm. Cá nhân phải trải qua ít nhất một pha trầm cảm và một pha hạ hưng cảm (hypomania). Đồng thời, chưa từng trải qua pha hưng cảm nào. Pha hạ hưng cảm triệu chứng tương tự như pha hưng cảm nhưng với mức độ nhẹ hơn. 

Lưu ý rằng rối loạn lưỡng cực II không phải dạng nhẹ hơn của rối loạn lưỡng cực I. Đây là một chẩn đoán riêng biệt. Rối loạn lưỡng cực I có các triệu chứng hưng cảm trầm trọng hơn. Trong khi đó rối loạn lưỡng cực II thường có pha trầm cảm kéo dài hơn.

Rối loạn khí sắc chu kì (Cyclothymic Disorder) 

Được đặc trưng bởi sự xuất hiện luân phiên của các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm. Tuy nhiên, những triệu chứng này không bao giờ ở mức độ quá trầm trọng hay kéo dài đủ lâu để liệt vào nhóm rối loạn lưỡng cực I hay II. 

Những triệu chứng điển hình 

Pha hưng cảm 

Pha hưng cảm phải kéo dài ít nhất 1 tuần. Các biểu hiện đặc trưng là hứng khởi thái quá, dễ bị kích động và dồi dào năng lượng bất thường. Đi kèm theo đó là ít 3 trong số các biểu hiện dưới đây: 

  • Cảm nhận về năng lực bản thân bị phóng đại vô lý, hưng phấn quá đà
  • Nhu cầu ngủ giảm sút 
  • Nói nhanh hay nhiều hơn bình thường
  • Tư duy dồn dập (các suy nghĩ hay ý tưởng xuất hiện nhanh, liên tục, thiếu mạch lạc) 
  • Dễ bị phân tán tập trung 
  • Vận động nhiều hơn, bồn chồn, khó ngồi yên 
  • Hành động bột phát, bẩn cẩn, kèm theo rủi ro cao. Vd. quan hệ tình dục không an toàn, mua sắm quá đà, đầu tư tiền không tính toán 

Trong một số trường hợp có thể xảy ra hoang tưởng. Vd. hoang tưởng tự đại cho rằng bản thân là đấng cứu thế hay là thiên tài tái thế. Hoặc hoang tưởng bị truy hại, cho rằng bản thân đang bị mật vụ theo dõi.  

Pha trầm cảm  

Pha trầm cảm phải kéo dài ít nhất 2 tuần với ít nhất 5 triệu chứng trong số các triệu chứng liệt kê dưới đây. Trừ triệu chứng về ý định tự sát, các triệu chứng khác phải xuất hiện trong đa số thời gian mỗi ngày:

  • Khí sắc trầm buồn, hoặc cảm thấy trống rỗng hay gần như sắp khóc
  • Suy giảm hứng thú đáng kể hoặc không thể cảm thấy thích thú trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động 
  • Thay đổi đáng chú ý về cân nặng (>5% tổng trọng lượng cơ thể) dù đang không ăn kiêng; chán ăn hoặc ăn quá nhiều  
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm hoặc ngủ quá nhiều) 
  • Dễ kích động hoặc chậm chạp thấy rõ trong hành động (quan sát được bởi người khác)
  • Mệt mỏi, mất năng lượng 
  • Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức
  • Suy giảm khả năng tập trung, suy nghĩ, hay đưa quyết định 
  • Có suy nghĩ đến, lên kế hoạch, hay thử tự sát 

Pha hỗn hợp 

Pha hỗn hợp được xác định là pha hưng cảm hoặc hạ hưng cảm nhưng đi kèm ít nhất 3 triệu chứng trầm cảm. Triệu chứng biểu hiện trong hầu hết các ngày. Pha hỗn hợp thường khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với dạng chu kì nhanh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu người thân của bạn có những biểu hiện của pha hưng cảm, họ cần được đưa đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Trong pha hưng cảm, năng lực tự nhận thức bị suy giảm đáng kể dẫn đến việc họ không nhận ra mình có rối loạn, cho dù những biểu hiện là rất rõ ràng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội.  

Nếu bạn nghi ngờ bản thân có thể có rối loạn lưỡng cực, hãy lập tức đến gặp bác sĩ hoặc tham vấn viên tâm lý để được đánh giá và lên kế hoạch điều trị kịp thời. Rối loạn lưỡng cực không thể “tự khỏi”. Nghiêm trọng hơn, nguy cơ tự sát ở rối loạn lưỡng cực cao hơn ở rối loạn đơn cực (rối loạn trầm cảm), đặc biệt trong pha hỗn hợp. 

Tài liệu tham khảo: 

  1. Tâm bệnh học, TS. Phạm Toàn, In lần thứ 2, T.P. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, 2020 
  2. MSD Manual Professional Edition, phiên bản tiếng Việt, https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-t%C3%A2m-th%E1%BA%A7n/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-kh%C3%AD-s%E1%BA%AFc/c%C3%A1c-r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-l%C6%B0%E1%BB%A1ng-c%E1%BB%B1c
  3. National Insitute of Mental Health, Bipolar Disorder, https://www.nimh.nih.gov/health/topics/bipolar-disorder
  4. WebMD, Bipolar Disorder,  https://www.webmd.com/bipolar-disorder/mental-health-bipolar-disorder
  5. Mayo Clinic, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bipolar-disorder/symptoms-causes/syc-20355955