Điều trị trầm cảm thường cần 3 yếu tố: sự tự lực của người bệnh, liệu pháp tâm lýthuốc.

Phương pháp điều trị sẽ được khuyến nghị dựa trên mức độ trầm cảm của bạn.

1. Tự điều trị với trầm cảm nhẹ

Nếu bạn có trầm cảm nhẹ, các phương pháp điều trị sau đây có thể được khuyến nghị:

Chờ đợi và quan sát

Với trầm cảm nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị bạn chờ một thời gian ngắn xem vấn đề có tự cải thiện không. Bạn sẽ được yêu cầu tái khám sau 2 đến 4 tuần để theo dõi tiến triển. Đây là phương pháp chờ đợi có giám sát.

Tự điều trị có hướng dẫn

Bác sĩ có thể đề nghị bạn thử một số phương pháp tự hỗ trợ có hướng dẫn. Thông thường, bạn sẽ được gợi ý theo một lộ trình trị liệu được xây dựng sẵn. Lộ trình thường kéo dài 6 đến 8 buổi với sự hỗ trợ từ một nhà trị liệu tâm lý. Với nhà trị liệu, bạn có thể gặp trực tiếp, gọi điện thoại hoặc qua videocall.

Các chương trình tự hỗ trợ này thường xây dựng dựa trên liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). CBT là một liệu pháp trị liệu giúp bạn quản lý các vấn đề của mình thông qua việc thay đổi cách suy nghĩ và hành động.

Tập thể dục

Vận động cơ thể đã được chứng minh là có thể giúp giảm trầm cảm. Vì vậy, tập thể dục là một trong những phương pháp điều trị chính cho chứng trầm cảm nhẹ. Bạn có thể cân nhắc tham gia các hoạt động thể thao tại nơi bạn sinh sống. Thường, bác sĩ cũng khuyến nghị bạn vận động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ, 30 phút mỗi ngày. 

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, tham vấn tâm lý là điều cần thiết để giúp bạn vượt qua giai đoạn trầm cảm.

Điều trị trầm cảm là phải dùng thuốc? Có phải luôn như vậy không?

2. Điều trị trầm cảm mức độ trung bình đến nặng

Trong trường hợp bạn có trầm cảm vừa hoặc nặng, các phương pháp điều trị sau đây có thể được khuyến nghị:

Sử dụng thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm giúp điều trị các triệu chứng của trầm cảm. Có nhiều loại thuốc trầm cảm khác nhau. Các loại thuốc này tác động dựa trên nguyên lý hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Thuốc chống trầm cảm phải được bác sĩ kê đơn. Trong quá trình điều trị, bạn cần tuân thủ liều lượng bác sĩ kê và tái khám định kì.

Điều trị thuốc kết hợp tham vấn tâm lý

Bạn nên kết hợp giữa sử dụng thuốc và đi tham vấn tâm lý. Điều này đặc biệt cần thiết nếu chứng trầm cảm của bạn đang ở mức khá nghiêm trọng.

Việc kết hợp giữa sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý thường đem lại kết quả tốt hơn là chỉ sử dụng một trong hai phương pháp điều trị này.

Tham vấn – trị liệu tâm lý 

Có nhiều phương pháp tham vấn – trị liệu tâm lý khác nhau. Mỗi phương pháp đều được dựa trên các nguyên lý và học thuyết khoa học về tâm lý con người. Dưới đây là các phương pháp tham vấn – trị liệu phổ biến nhất để bạn tham khảo. 

a. Điều trị trầm cảm thông qua thay đổi suy nghĩ

Đây là liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioral Therapy, hay CBT). Liệu pháp nhận thức – hành vi quan niệm cảm xúc có thể được điều chỉnh thông qua suy nghĩ và hành động. Chẳng hạn, lấy ví dụ việc bị sếp mắng. Người A suy nghĩ rằng: “ừ, đúng là lần này làm vậy không được tốt. Nhưng lần sau, mình sẽ sửa để tốt hơn“. Người B, ngược lại, liên tục nghĩ “mình là người tồi tệ”, “cuộc đời sẽ chẳng đi về đâu”. Không khó để thấy tâm trạng của người B sẽ tệ hơn người A rất nhiều, dù cùng một tình huống.

Không nên hiểu nhầm nguyên lý của CBT với sự tích cực độc hại (toxic positivity). CBT không đòi hỏi bạn phải suy nghĩ tích cực hơn hay luôn luôn phải suy nghĩ tích cực. Thay vào đó, CBT khuyến khích một góc nhìn cân bằng hơn. CBT giảm thiểu xu hướng suy nghĩ quá tiêu cực, thường xyar ra khi bạn có trầm cảm.  

CBT cũng công nhận tác động của những trải nghiệm quá khứ lên lựa chọn trong hiện tại. Tuy vậy, trọng tâm của CBT là thay đổi các suy nghĩ và hành vi trong hiện tại. CBT không hướng đến phân tích quá nhiều sự kiện trong quá khứ.

Quá trình trị liệu theo CBT thường kéo dài từ 8 đến 16 buổi. Số buổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng trầm cảm bạn có. 

b. Liệu pháp kích hoạt hành vi (Behavioral activation hay BA)

CBT tập trung vào mối quan hệ suy nghĩ – cảm xúc. Còn BA tập trung vào mối quan hệ giữa hành vi và cảm xúc của bạn. BA đặc biệt hữu ích khi trầm cảm khiến bạn thu mình và từ chối các hoạt động hàng ngày.

BA thúc đẩy bạn tham gia tích cực hơn vào các hoạt động sống. Từ đó, bạn có cơ hội trải nghiệm các cảm xúc tích cực hơn. Chẳng hạn, nếu bạn đang dành phần lớn thời gian trên giường và không thực sự làm gì cả. Trong lúc đó, bạn liên tục suy nghĩ miên man và ngày càng cảm thấy tệ hơn. BA sẽ giúp thúc đẩy bạn rời khỏi giường và tham gia vào một số hoạt động trong ngày. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt bế tắc và thoải mái hơn. Từ đó, giúp cải thiện trầm cảm.

Liệu pháp kích hoạt hành vi thường kéo dài từ 12 đến 16 buổi. Bạn làm việc cá nhân với nhà chuyên môn. Mức độ dài ngắn của liệu trình tùy thuộc vào mức độ trầm cảm của bạn.

c. Trị liệu bằng phân tâm học (psychodynamic approach)

Với liệu pháp phân tâm học, bạn được khuyến khích chia sẻ về bất kì điều gì đang diễn ra trong tâm trí bạn.

Điều này sẽ giúp tăng cường nhận thức về những gì bạn đang cảm thấy. Phân tâm học cũng tập trung vào mối quan hệ của bạn với những người quan trọng với bạn. Nó cũng giúp bạn nhận diện những tình huống thường gây căng thẳng và những mô-típ trong các bạn phản ứng với các tình huống đó. Bạn cũng sẽ hiểu được các mà những mô-típ này tác động vào chính vấn đề của bạn như thế nào.

Liệu pháp phân tâm học có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Phân tâm học cũng có thể được áp dụng cho điều trị ngắn hạn. Thường kéo dài từ 8 – 12 buổi.

Lời khuyên của Carota cho bạn là luôn tìm kiếm trợ giúp càng sớm càng tốt. Đừng đợi đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng để bắt đầu tìm giúp đỡ!

Những đầu số hỗ trợ miễn phí  bạn có thể tham khảo:

  • Đường dây nóng Ngày Mai: 096 306 1414 (hoạt động từ 13:00 – 20:30 từ thứ Tư đến Chủ nhật)
  • Hotline hỗ trợ tâm lý – xã hội: 1900 63 6446 (hoạt động hàng ngày từ 8 – 23 giờ)
  • Hotline của Bệnh viện Tâm thần Tp. HCM: 1900 9095

——-

Tham khảo từ bài viết: https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/depression-in-adults/treatment/