Trầm cảm (viết tắt của rối loạn trầm cảm điển hình – major depressive disorder) là rối loạn khí sắc trưng bởi tâm trạng trầm buồn và mất hứng thú kéo dài. Vì những định kiến vẫn còn dai dẳng, không ít người lựa chọn giấu đi vấn đề của mình. Một số người khác lại không tiếp cận được kiến thức cần thiết nên không biết mình có trầm cảm. Hai hiện tượng này, đâu là “trầm cảm ẩn” và đâu là “trầm cảm cười”?

Trầm cảm ẩn. Khi “mình không biết đó là trầm cảm”

Hình dung thông thường chúng ta đi khám trầm cảm vì cảm thấy u uất hay trống rỗng. Nhưng, người có trầm cảm ẩn lại tìm đến bác sĩ vì đau mỏi cơ thể hay vấn đề tiêu hóa. Một số cá nhân vẫn có các biểu hiện về mặt tâm lý nhưng không rõ ràng. Bản thân họ gặp khó khăn trong việc nắm bắt cảm xúc và mô tả lại nó cho người khác. Họ có thể không cân nhắc khả năng bản thân bị trầm cảm. 

Theo một số nghiên cứu, trầm cảm ẩn thường được quan sát thấy ở những nhóm dân số như (1):

  • Người cao tuổi
  • Trẻ em hay trẻ vị thành niên 
  • Các cộng đồng dân cư thu nhập thấp 
  • Người mắc các chứng bệnh nan y 

Trong giới chuyên môn, thuật ngữ “trầm cảm ẩn” được dùng phổ biến trong những năm 70, 80. Tuy nhiên, thuật ngữ này hiện nay không còn được sử dụng nữa. Trầm cảm ẩn cũng không được công nhận như một chẩn đoán chính thức. Thay vào đó, một số thuật ngữ khác được dùng để chỉ trường hợp vấn đề tâm lý dẫn đến các rối loạn thể chất. Chẳng hạn như “rối loạn tâm thể” (somatoform disorder) (2).

Trầm cảm ẩn có phải là "giấu bệnh"? Trầm cảm cười có phải "cố vui lên"?

Trầm cảm cười. Khi “mình không muốn ai biết”

Trầm cảm cười được dịch từ “smiling depression” hay “hidden depression”. Thuật ngữ này mô tả hiện tượng người có trầm cảm che giấu vấn đề đang gặp phải. 

Cần hiểu rằng, có nhiều lý do để một người chọn giấu đi vấn đề của mình (3): 

  • Trầm cảm đi kèm cảm giác tội lỗi quá mức. Người có trầm cảm thường suy nghĩ “mình là gánh nặng”. Hoặc, “mình phá hoại cuộc vui” nếu để mọi người biết mình không ổn.  
  • Họ có thể lo sợ bị đánh giá hay chỉ trích nếu người khác biết vấn đề của mình.
  • Họ có thể đã từng nhận nhiều “lời khuyên” thiếu nhạy cảm. Vì thế, họ không muốn lại bị khuyên nhủ như vậy nữa.
  • Trong nhiều tình huống, họ cảm thấy bản thân không xứng đáng. “Mình không xứng đáng được quan tâm”. Hay, “mình không xứng đáng được giúp đỡ vì mình chỉ làm phiền người khác”.
  • Họ có thể mong muốn giữ một hình ảnh nhất định về bản thân trong mắt mọi người.
  • Nhiều người cảm thấy như “trăm mối tơ vò” và không biết phải chia sẻ sao với người khác.

Những gợi ý hỗ trợ

Nếu bạn nghi ngờ bản thân đang có trầm cảm, đừng ngần ngại tìm gặp tham vấn viên tâm lý hoặc bác sĩ. Các nhà chuyên môn sẽ giúp đánh giá chính xác vấn đề của bạn. Tham vấn tâm lý và điều trị thuốc đều được chứng minh cải thiện trầm cảm hiệu quả. Tại Carota, các tham vấn viên đều được đào tạo chuyên môn bài bản phương pháp nhận thức – hành vi – một trong các phương pháp trị liệu được chứng minh hiệu quả nhất trong điều trị trầm cảm. 

Nếu bạn có người thân đang trải qua trầm cảm, bạn có thể đọc thêm bài viết hỗ trợ người thân có trầm cảm để có được những gợi ý hữu ích. 

Tham khảo: 

https://www.healthline.com/health/depression/masked-depression#diagnosis

https://psychcentral.com/depression/what-does-masked-depression-look-like#tips

https://thedepressionproject.com/blogs/news/masked-hidden-depression-how-why-what-to-do-about-it