Ta đánh đồng nỗi buồn và trầm cảm vì hai bạn này có điểm chung là làm cho một cá nhân buồn bã và rút khỏi những hoạt động thường nhật. Song, nỗi buồn là một phản ứng tự nhiên của con người với tình huống nhất định còn trầm cảm lại là một rối loạn lâm sàng đặc trưng bởi những vấn đề về giá trị bản thân, giao tiếp xã hội và cả những thất thường về giấc ngủ, ăn uống,… cần được điều trị.Trầm cảm đôi khi có thể được ngụy trang bằng nụ cười bên ngoài – đó là trường hợp của “Trầm cảm ẩn”. Không như những bệnh về thể xác, chúng ta không thể thấy được trầm cảm qua kết quả xét nghiệm, bởi có những người trầm cảm nhưng vẫn đang đi làm, đi học và vẫn hoà đồng.Trầm cảm không phải sự yếu đuối! Đây là một rối loạn rất phức tạp, và tới tận bây giờ, khoa học vẫn chưa tìm được cách lí giải đầy đủ và toàn diện cho rối loạn này. Vì thế, đừng vội quy chụp những ai bị trầm cảm đều do “không đủ mạnh mẽ” hay “tự nghĩ ra bệnh”. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng có những người trông đầy “bản lĩnh”, tự tin và thành công lại cũng chính là những người đang hàng ngày tự mình đối mặt với trầm cảm chỉ bởi sự quy chụp “trầm cảm là yếu đuối” quá lớn để vượt qua. Trầm cảm không phải lúc nào cũng dễ nhận ra vì người có rối loạn này rất khó để trải lòng.

Trong 15 người trưởng thành, có 1 người làm bạn với trầm cảm
————-
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm lý phổ biến nhất hiện nay. “Bạn ấy” làm cho chúng ta buồn bã, yếu đuối và mất đi hứng thú đối với những thứ xung quanh. Nhưng vế ngược lại liệu có đúng? Và, người ta đã làm gì để ẩn giấu trầm cảm cho riêng mình?

1. CÓ NHỮNG NGƯỜI DỄ RƠI VÀO TRẦM CẢM HƠN NHỮNG NGƯỜI KHÁC NHƯNG ĐÓ CHƯA PHẢI TOÀN BỘ CÂU CHUYỆN.

Nếu bạn nghĩ “Chắc em yếu đuối hơn chị nên mới thấy thế thôi, chị trải qua nhiều thứ tồi tệ hơn em mà vẫn vượt qua được này”. Thì mình xin chia sẻ: Trầm cảm là một rối loạn rất phức tạp, và tới tận bây giờ, khoa học vẫn chưa tìm được cách lí giải đầy đủ và toàn diện cho rối loạn này. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân của rối loạn trầm cảm. Trang “Healthline” có viết về giả thuyết cho rằng, trầm cảm xuất phát từ sự kết hợp của nhiều nguyên nhân như: các yếu tố ngoại cảnh như áp lực từ xã hội và cuộc sống; do di truyền hoặc do cấu trúc não bộ. Nghiên cứu thần kinh chỉ ra rằng não bộ của người trầm cảm khác biệt so với những người không có rối loạn trầm cảm, nhất là tại các vùng não chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh tâm trạng, suy nghĩ, giấc ngủ và sự ngon miệng. Vì thế, đừng vội quy chụp những ai bị trầm cảm đều do yếu đuối. Ngoài kia, cũng có nhiều người bản lĩnh bị quật ngã bởi trầm cảm – Chỉ là họ đang cố gắng giấu đi

2. “TRẦM CẢM ẨN” – KHI TRẦM CẢM ĐƯỢC GIẤU KÍN DƯỚI LỚP VỎ CỦA SỰ VUI TƯƠI

Trầm cảm ẩn có thể hình dung là khi người ta ngụy trang cảm xúc tiêu cực bên trong bằng nụ cười bên ngoài.

Trong một chương trình truyền hình mà ở đó nghệ sĩ đối diện với bình luận ác ý nhắm tới mình có tên Reply Night, cố nghệ sĩ Sulli tiết lộ đang phải cố giấu cảm xúc thật, giả vờ tỏ ra hạnh phúc để che đậy sự cô đơn. Không lâu sau đó, cô ra đi. Sự việc này khiến làng giải trí Hàn và người hâm mộ không khỏi bàng hoàng bởi trước đó, trên tài khoản instagram của cô vẫn cập nhật những khoảnh khắc vui vẻ thường ngày, ảnh của cô đi sự kiện,…

Không như những bệnh về thể xác, chúng ta không thể thấy được bệnh trầm cảm qua nét mặt hay qua những kết quả xét nghiệm, bởi có những người trầm cảm nhưng vẫn đang đi làm, đi học và vẫn cố gắng để hoà đồng với mọi người

3. NỖI BUỒN VÀ RỐI LOẠN TRẦM CẢM LÀ KHÁC NHAU

Nỗi buồn là trạng thái tự nhiên của con người. Đó là sự hồi đáp cảm xúc với một tình huống trong đời sống. Mỗi người lại có một “kiểu” buồn khác nhau (buồn mang mác, buồn tê tái,… buồn (nên) cười ^-^) và những lý do khác nhau (buồn khi mới ra trường lại thất nghiệp, khi người yêu cũ có người yêu mới, khi bị điểm kém hơn đứa cùng bàn …). Tuy nhiên, với một số người, những nguyên nhân trên lại gây ra trầm cảm.

Trầm cảm là một rối loạn kèm theo những triệu chứng cần được điều trị kéo dài ít nhất hai tuần, bao gồm: giấc ngủ, ăn uống, ngại giao tiếp, cảm thấy bi quan, bất an, mất đi hứng thú với mọi thứ xung quanh và nguy hiểm hơn nữa là có ý định tự sát.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng có thể bạn có những triệu chứng trầm cảm nhưng không có nghĩa là bạn đang có rối loạn trầm cảm. Đừng tự chẩn đoán cho mình bạn nhé!

>> Về cảm xúc:
Nỗi buồn như những cơn sóng từng đợt được hòa trộn giữa cảm giác buồn bã về hiện thực và cảm xúc tích cực về những gì đã qua. Ví dụ, khi người thân ra đi, bạn cảm thấy đau buồn ở thời điểm hiện tại xen lẫn những cảm xúc hạnh phúc, vui vẻ về quá khứ – khi người ấy vẫn còn bên cạnh. Tuy nhiên, trầm cảm lại làm cho cảm xúc, tâm trạng của bạn xuống dốc không phanh trong khoảng thời gian ít nhất là hai tuần.

>> Về sự tự đánh giá bản thân:
Khi nỗi buồn xâm nhập, ta vẫn cảm thấy trân trọng bản thân, nhưng khi làm bạn với trầm cảm, người ta thường cảm thấy vô dụng, ghê tởm và chán ghét chính bản thân mình. Điều đó có thể dẫn đến ý định tự sát.

Nỗi buồn và trầm cảm có thể tồn tại cùng một lúc. Khi đó, nỗi buồn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn so với khi chúng tồn tại độc lập.
———–
*Nguồn:
– Theo DSM-5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần phiên bản 5)
– psychiatry.org, Review By: Ranna Parekh, M.D., M.P.H. January 2017

Categories: TRẦM CẢM