Trị liệu tâm lý là một lĩnh vực mới ở Việt Nam. Còn nhiều hiểu nhầm xoay quanh trị liệu tâm lý. Trị liệu tâm lý không phải nghe “giảng đạo” hay “tìm về tiền kiếp”.
Để được công nhận là một liệu pháp trị liệu tâm lý, cần phải có cơ sở lý thuyết và xác lập các kĩ thuật trị liệu cụ thể. Đặc biệt, phải có các bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả của liệu pháp đó trong điều trị các vấn đề tâm lý – tâm thần. Những liệu pháp chưa có đầy đủ căn cứ khoa học, như tìm về tiền kiếp, không được coi là một liệu pháp trị liệu tâm lý chính thống.
Trong bài viết này, Carota cùng bạn tìm hiểu về 5 liệu pháp trị liệu tâm lý có cơ sở khoa học. Đây là những liệu pháp đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người sử dụng dịch vụ.
1. Nhận thức – hành vi (Cognitive – Behavioral Therapy, hay CBT)
Theo quan điểm của trường phái nhận thức – hành vi, cảm xúc của chúng ta chịu ảnh hưởng lớn từ cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Các trải nghiệm sống góp phần tạo nên những “lối mòn” trong suy nghĩ. Những “lối mòn” tư duy này thường cứng nhắc hoặc thiếu khách quan. Dẫn đến việc chúng tạo ra những gò bó hoặc căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống.
Từ quan điểm trên, CBT tập trung vào 3 mục tiêu trị liệu chính:
- Xác định các “lối mòn” trong suy nghĩ của khách hàng
- Điều chỉnh và xây dựng nên hệ thống những suy nghĩ và niềm tin lành mạnh hơn
- Thay đổi hành vi phù hợp với hệ thống suy nghĩ và niềm tin mới
Dưới đây là một ví dụ:
Một người thường xuyên cảm thấy lo lắng và bất an khi phải giao tiếp với người lạ. Họ có niềm tin rằng “mình nhạt nhẽo, chẳng ai thích làm bạn với mình”. Niềm tin này hình thành từ những trải nghiệm tiêu cực trước đây ở trường phổ thông và trong gia đình. Hiện tại, vì niềm tin này, họ thường né tránh giao tiếp. Hoặc, nếu có giao tiếp thì họ cảm thấy lo lắng và không thể hiện tốt. Điều này khiến họ càng cảm thấy tệ hơn và vô tình củng cố niềm tin đã có.
Trong trường hợp này, tham vấn viên theo phương pháp CBT sẽ giúp khách hàng:
- Làm sáng tỏ niềm tin đang gây căng thẳng cho họ trong giao tiếp
- Tìm hiểu niềm tin đó bắt nguồn từ đâu
- Thiết lập lại cách suy nghĩ phù hợp hơn trong các tình huống hiện tại
- Xây dựng các kĩ năng điều hòa lại căng thẳng trong giao tiếp
- Thay đổi hành vi (vd. giảm thiểu hành vi né tránh, xây dựng các hành vi mới phù hợp hơn trong giao tiếp)
CBT thường được sử dụng như một phương pháp trị liệu ngắn hạn. CBT cũng đòi hỏi sự tham gia tích cực từ phía khách hàng. Bạn có thể cần phải điền bản theo dõi suy nghĩ hay cảm xúc giữa các buổi tham vấn. Những thông tin này sẽ giúp định hướng quá trình trị liệu.
CBT là một trong các phương pháp trị liệu hiệu quả nhất hiện nay và được khuyến cáo sử dụng trong trị liệu cho các vấn đề đa dạng như lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống hay rối loạn giấc ngủ.
2. Hành vi biện chứng (Dialectical – Behavioral Therapy hay DBT)
Liệu pháp hành vi biện chứng là một dạng của CBT. Do đó, liệu pháp này cũng có những điểm chung nhất định với CBT về mục tiêu và kĩ thuật trị liệu. Tuy vậy, DBT có nhiều đặc điểm riêng thú vị.
“Biện chứng” là gì?
“Biện chứng” mang nghĩa sự kết hợp giữa hai điều đối lập. Trong văn hóa đông phương, bạn có thể hình dung triết lý này thông qua biểu tượng âm – dương. Trị liệu tâm lý không chỉ là thay đổi bản thân. Mà còn là chấp nhận, ngay cả với những điểm bạn chưa hài lòng. Điều thú vị là, khi bạn chấp nhận, bạn lại có động lực thay đổi. Đó chính là triết lý của liệu pháp hành vi biện chứng.
DBT hướng đến xây dựng cho khách hàng 4 kĩ năng chính để lấy lại cân bằng tâm lý:
- Chánh niệm (mindfulness): thực hành sống trong hiện tại
- Chấp nhận nỗi đau: luyện tập để chấp nhận nỗi đau mà không trốn chạy
- Kĩ năng giao tiếp: học cách nói lên nhu cầu của bản thân và tôn trọng người khác
- Điều hòa cảm xúc: cải thiện cảm xúc nếu bạn muốn
Đây là liệu pháp trị liệu tích cực, đòi hỏi cam kết cao từ khách hàng. Ngoài các buổi tham vấn cá nhân, khách hàng cần tham gia trị liệu nhóm.
Liệu pháp DBT ban đầu được xây dựng cho các vấn đề nghiêm trọng về hành vi và cảm xúc như tự hại, hoặc tự sát.
Tuy vậy, các nghiên cứu đã chứng minh DBT cũng có hiệu quả tốt trong trị liệu đa dạng các vấn đề khác, đặc biệt trong trường hợp gặp khó khăn về điều hòa cảm xúc. DBT cũng thường xuyên được vận dụng trong các trường hợp xung đột trong các mối quan hệ liên cá nhân. Nhờ vào triết lý quân bình giữa các điều đối lập của mình, DBT giúp thân chủ chấp nhận tốt hơn những góc nhìn khác biệt của người khác ngay cả khi chúng đối lập với quan điểm hay niềm tin của bản thân.
Đọc tiếp: 5 phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến (phần 2)