Rối loạn lo âu thường bị hiểu nhầm là một rối loạn tâm lý đơn lẻ, được đặc trưng bởi việc làm người ta có những lo sợ kéo dài, vượt xa khỏi thực tế. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rối loạn lo âu cũng có dăm ba loại hệt như tảng băng giữa biển – ba phần nổi và bảy phần chìm. Vậy sao cậu không cùng chúng tớ làm quen với những thành viên dưới mái nhà chung của đại gia đình Rối loạn lo âu nhỉ?
Rối loạn lo âu toàn thể (generalized anxiety disorder)
Rối loạn hoảng sợ (panic disorder)
Ám ảnh sợ (phobias, specific phobia)
Ám ảnh sợ khoảng trống (agoraphobia)
Rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder)
Rối loạn lo âu phân ly (separation anxiety disorder)
Lưu ý đến cậu: Mỗi dạng rối loạn này có tiêu chuẩn chẩn đoán riêng về triệu chứng, thời gian diễn ra, mức độ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống,…Vậy nên cậu hãy tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trước khi cho rằng mình hay những người xung quanh có rối loạn lo âu nhé!
Rối loạn lo âu toàn thể (Generalized Anxiety Disorder) có thể làm cho một người luôn canh cánh những nỗi lo về những tình huống xấu nhất, thậm chí là “hơi lố” trong một thời gian dài về công việc, các mối quan hệ, sức khoẻ của mình và người thân. Họ có thể nghĩ “lỡ mình bị xe đụng thì sao?” khi vừa bước lên xe buýt hay “mình bị thất nghiệp thì sao?” khi trót bị điểm kém trong lần kiểm tra 15 phút.
Rối loạn lo âu có xu hướng gây ra sự căng thẳng khó chịu, tim đập nhanh, cơ bắp căng cứng, thường xuyên trằn trọc khó ngủ và rất khó tập trung.
Tham khảo tại: https://bit.ly/rllacarota
Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder) được đặc trưng bởi nhiều cơn hoảng loạn (panic attacks) đến bất ngờ và dữ dội. Thông thường, những cơn hoảng loạn này có thể bắt đầu từ một điều gì đó gây sợ hãi hoặc đến bất ngờ mà không có lý do nào, như trường hợp của Katie.
Katie kể rằng, một hôm, trong khi đang dắt chú cún đi dạo, cô bỗng dưng thấy mình đổ nhiều mồ hôi dù trời chẳng nóng chút nào. Sau đó cô bắt đầu khó thở và cảm thấy hoảng sợ, tim đập mạnh và liên hồi, toàn thân run lên, và tay chân cô bủn rủn. Những cơn hoảng loạn như vậy xảy đến thêm nhiều lần nữa làm Katie không dám đi làm, gặp bạn bè và người thân, hay dắt chó đi dạo vì sợ những cơn hoảng loạn này lại bất ngờ ập tới. (1)
Do những triệu chứng xảy ra ở cường độ cao nên người có rối loạn hoảng sợ ban đầu thường nghĩ rằng mình đang bị nhồi máu cơ tim hay mắc một chứng bệnh thực thể nào nghiêm trọng. Một trong những bước đầu tiên để trị liệu cho dạng rối loạn này là nhận diện các dấu hiệu khi có cơn hoảng loạn và giúp người có rối loạn hiểu về cơ chế gây ra các phản ứng đó. Điều này đòi hỏi tiến hành các đánh giá y khoa để chắc rằng các dấu hiệu này hoàn toàn không phải do một chứng bệnh thực thể nào gây ra. Với Katie, sau khi được đánh giá y khoa, cô được chẩn đoán có rối loạn hoảng sợ và được hướng dẫn cách kiểm soát những cơn hoảng loạn đó.
(1): https://bit.ly/rlla2carota
ÁM ẢNH SỢ KHOẢNG TRỐNG (agoraphobia)
“Tôi cảm giác như đám đông đang dần siết tôi lại. Tôi không thể thoát khỏi đây. Không có đường ra. Tôi cảm thấy tức ngực và không thể thở được. Tôi quờ quạng và bằng cách nào đó tôi thoát ra khỏi đó. Tôi không ý thức được bằng cách nào nữa”. Đó là trải nghiệm chân thực của một người có ám ảnh sợ khoảng trống khi ở trong đám đông.
Người có ám ảnh sợ khoảng trống có cảm giác không an toàn, sợ hãi khi ở trong những nơi họ cho rằng nguy hiểm, khó có thể thoát thân, hay khó để tìm kiếm sự giúp đỡ khi có điều gì đó xảy tới. Thông thường, họ thấy sợ hãi trong hai hay nhiều tình huống sau: sử dụng phương tiện giao thông công cộng, ở trong những không gian mở hoặc khép kín, đứng trong hàng hoặc ở trong đám đông, hay ra khỏi nhà một mình.
ÁM ẢNH SỢ (phobias, specific phobia)
Có ai đó mà cậu biết rất sợ hãi, có khi trở nên khủng hoảng đối với một đồ vật, tình huống, hay hoạt động nào đó dù lúc đó chúng chẳng có chút đe dọa nào? Ví dụ như sợ bóng tối, hay sợ nhện chẳng hạn. Đó là biểu hiện của ám ảnh sợ đấy.
Với con mắt của người ngoài cuộc, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những người có ám ảnh sợ không ý thức được sự thái quá trong nỗi sự của mình. Thật ra sự thật hoàn toàn ngược lại. Khi có ám ảnh sợ, người đó biết rất rõ nỗi sợ của mình là thái quá, nhưng lại không cách nào vượt qua được nỗi sợ sợ của mình. Cũng vì vậy, họ sẽ cố gắng làm tất cả mọi thứ có thể để tránh né những điều làm họ sợ.
Rối loạn lo âu phân ly (separation anxiety disorder)
Như tên gọi đã thể hiện, với rối loạn phân ly, một người sẽ trở nên rất sợ hãi, lo lắng khi phải tách rời người mà họ cảm thấy gắn bó. Có lẽ khi nói tới đây, cậu đang suy nghĩ tới hình ảnh nhiều đứa trẻ oà khóc khi bị tách rời khỏi mẹ?
Người có rối loạn lo âu phân ly cũng trải qua những hoảng loạn tương tự, nhưng những hoảng loạn của họ không phù hợp với độ tuổi của mình. Bên cạnh đó, vì nỗi sợ này, những hoạt động hằng ngày của họ bị ảnh hưởng đáng kể. Bởi không thể nào chịu nỗi cảm giác sợ hãi khi bị tách ra khỏi người họ gắn bó, họ có thể từ chối ngủ mà không có người đó, mơ về những giấc mơ chia li, và luôn mang nỗi trợ mất đi người đó,…
Rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder)
Chúng ta hay nhầm lẫn người có rối loạn lo âu xã hội với người không thích giao thiệp, hay nhút nhát. Với những tình huống đòi hỏi tương tác xã hội, như thuyết trình trước đám đông, người nhút nhát chỉ dừng lại ở biểu hiện run và lo lắng trước khi thuyết trình. Còn với người có rối loạn lo âu xã hội, họ có thể vì sợ thuyết trình mà có thể mất ngủ, xuất hiện những biểu hiện như khó thở, tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều,… vài tuần, vài tháng trước đó (2)
Người có rối loạn lo âu xã hội cảm thấy rất khó chịu và sợ hãi với những tình huống họ cảm thấy bị nhục nhã, coi thường, châm chọc, hay từ chối. Ngoài tình huống nói trước đám đông như trên, đôi khi việc ngồi ăn ở phòng ăn tập thể, một người lạ hỏi đường … cũng có thể khiến họ vô cùng lo lắng. Chính vì điều này, người có rối loạn lo âu xã hội thường tránh né tương tác với xã hội, hoặc sẽ cố gắng chịu đựng dù những người xung quanh dễ dàng nhận biết họ đang rất lo âu.