Hiện nay, các thuật ngữ về tâm lý bị hiểu nhầm rất nhiều. Trong đó, Tham vấn tâm lý và Trị liệu tâm lý là hai khái niệm tuy khác nhau nhưng lại bị đánh đồng. Trong bài viết này, Carota giúp bạn phân biết “hai anh em” này nhé!
Trong tiếng Anh, thuật ngữ Talk therapies (trị liệu qua trò chuyện) dùng để chỉ tất cả các dạng hoạt động trò chuyện với nhà chuyên môn để giải quyết những khó khăn về cảm xúc, suy nghĩ hay hành vi. Thuật ngữ ngày bao gồm cả tham vấn tâm lý (counselling) và trị liệu tâm lý (psychotherapy).
Có nhiều điểm trùng lặp giữa tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý (cùng áp dụng các học thuyết và phương pháp của ngành khoa học tâm lý; cùng hướng đến trị liệu các vấn đề sức khỏe tinh thần, etc). Trong nhiều trường hợp hai thuật ngữ này vẫn thường được sử dụng thay thế cho nhau.
Tuy nhiên, đôi khi hai thuật ngữ này có thể hàm ý sự khác biệt trong việc ai là nhà chuyên môn làm việc với bạn hoặc hàm ý khác biệt về cách tiếp cận hay phương pháp trị liệu.
Định hướng tiếp cận
Tham vấn tâm lý thường theo định hướng tập trung vào giải pháp (solution focused approach) và hướng đến các vấn đề tâm lý không nhất thiết phải đạt đến ngưỡng bệnh lí nhưng đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống của thân chủ. Trị liệu tâm lý, mặt khác, thường hướng đến các đối tượng có vấn đề tâm lý phức tạp hay biểu hiện vấn đề nghiêm trọng hơn.
Trị liệu tâm lý cũng thường kéo dài hơn và gần hơn với mảng tâm lý lâm sàng (clinical psychology – lĩnh vực nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ các vấn đề tâm bệnh). Tuy vậy, trong thực tế thực hành nghề nghiệp, có những tham vấn viên (counsellor) vẫn trị liệu cho các trường hợp bệnh lí nếu trong giới hạn chuyên môn của họ; và các nhà trị liệu (psychotherapist) vẫn làm việc với các trường hợp vấn đề ít nghiêm trọng hơn mức có chẩn đoán rối loạn lâm sàng.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết tại trang của Hiệp hội Tâm lý Hoa kì: https://www.apa.org/gradpsych/2009/03/similarities
Người chuyên môn
Một vài phương pháp trị liệu đặc thù như Trị liệu thân nghiệm (Somatic Experiencing®) hay EMDR (Eye Movement Desensitization and Reprocessing Therapy) đòi hỏi nhà chuyên môn ngoài việc đã có các bằng cấp chính quy về tâm lý học (thường là bằng Thạc sĩ trở lên), cần hoàn thành các khóa đào tạo chuyên biệt về phương pháp đặc thù đó và nhận chứng chỉ để có thể thực hành chúng. Trong trường hợp này, họ thường được gọi là nhà trị liệu(psychotherapist) kèm theo tên phương pháp đặc thù họ được phép thực hành.
Cũng có sự khác biệt trong quy định về bằng cấp (khác biệt ở mỗi quốc gia) để nhà chuyên môn được phép thực hành dưới chức danh tham vấn viên (counselor) hay nhà trị liệu tâm lý (psychotherapist). Trong nhiều trường hợp, để trở thành nhà trị liệu tâm lý đòi hỏi bằng cấp cao hơn và thời gian thực hành có giám sát chuyên môn nhiều hơn.
Lưu ý
Trong khuôn khổ bài viết này cũng như các bài viết tiếp theo thuộc chủ điểm “Hiểu về tham vấn tâm lý” của Carota, để giản lược tên gọi thuật ngữ “tham vấn tâm lý” được dùng để chỉ chung cho cả tham vấn (counselling) và trị liệu (psychotherapy) tâm lý; tương tự thuật ngữ “nhà tham vấn” hay “tham vấn viên” được dùng để chỉ chung cả tham vấn viên (counsellor) và trị liệu viên (psychotherapist).
Mong rằng, bài biết đã giúp các bạn hiểu về Tham vấn tâm lý và Trị liệu tâm lý. Nếu bạn có thắc mắc, hãy tải app Carota để cùng chúng mình tìm hiểu rõ hơn nhé!