Nếu bạn có hình dung: “Tham vấn tâm lý là kiểu đến gặp một chuyên gia xong nhờ họ cho lời khuyên ấy hả?” Thì chúng mình xin chia sẻ là: Tham vấn tâm lý là một quá trình trong đó nhà tham vấn và bạn cùng trò chuyện về những vấn đề bạn đang gặp phải hay những cảm xúc không mấy dễ chịu bạn đang có trong một không gian an toàn và riêng tư. Nhà tham vấn sẽ không bảo bạn cần phải làm gì. Thay vào đó, họ sẽ khuyến khích bạn chia sẻ những gì đang khiến bạn phiền lòng và từ đó giúp bạn nhìn ra những vấn đề cốt lõi và những cách thức đặc trưng mà bạn dùng để phản ứng lại với những vấn đề đó. Tiếp đó, nhà tham vấn có thể sẽ cùng bạn xây dựng một kế hoạch để giúp bạn đối diện với những vấn đề này hiệu quả hơn hoặc đôi khi, chỉ đơn giản là giúp bạn giải tỏa những cảm xúc bế tắc. Tham vấn tâm lý đặc biệt linh hoạt. Mỗi buổi tham vấn được thiết kế để phù hợp với từng cá nhân tại thời điểm đó. Trải nghiệm tham vấn, vì thế, sẽ khác nhau ở mỗi người. Nhưng tựu chung lại, mục tiêu của tham vấn tâm lý là giúp tăng cường năng lực nhận thức về chính bản thân mình và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.

NỖI SỢ 1:
Tôi chẳng có gì bất thường, chỉ là cảm thấy không vui. Lý do đó có đủ để đi tham vấn?

Một trong những hiểu nhầm thường gặp là tham vấn tâm lý chỉ dành cho những người “không bình thường” – những người có vấn đề nghiêm trọng, không còn khả năng làm chủ cuộc sống và bản thân hay chí ít cũng là những người vừa trải qua một sự kiện chấn động như ly hôn hay bị bạo hành,…

Những trường hợp trên không có gì sai, nhưng chưa đầy đủ.

Trên thực tế, tham vấn viên có thể hỗ trợ bạn trong nhiều vấn đề đa dạng của cuộc sống thường nhật. Đó có thể là chuyện công sở như sếp không nhìn nhận đúng giá trị của bạn, đồng nghiệp không hợp tác. Đó cũng có thể là chuyện gia đình, những khác biệt về quan điểm sống giữa các thành viên. Đôi khi là chuyện bạn mất định hướng và đặt câu hỏi về con đường mình sẽ đi. Rồi chuyện yêu đương, những kỳ vọng hai bên đặt lên mối quan hệ,…

Câu trả lời của Carota ở đây là: bạn hoàn toàn có thể tìm đến nhà tham vấn khi bạn thấy không vui. Nhà tham vấn đơn giản là một người sẽ lắng nghe câu chuyện của bạn cho dù nó là câu chuyện nho nhỏ hay to to.

Song, tham vấn không nên được nhìn nhận như một biện pháp đối phó khi mọi việc trở nên khó khăn. Tham vấn có thể giúp trang bị cho bạn những kỹ năng và công cụ hiệu quả để bạn ứng phó tốt hơn với căng thẳng và không rơi vào trạng thái hoàn toàn quá tả

NỖI SỢ 2:
Tham vấn viên có thể “nhìn thấu tâm can” và khiến tôi nói ra những điều tôi không muốn chia sẻ

Sự thật là tham vấn viên không có khả năng “đọc” được suy nghĩ của bạn (phù!). Tham vấn viên cũng sẽ không ép buộc bạn chia sẻ những gì mà bạn cảm thấy chưa sẵn sàng để chia sẻ. Tham vấn viên trên hết là những người đặc biệt tôn trọng giới hạn giữa hai cá nhân và được đào tạo để không xâm phạm những giới hạn riêng tư đó.

Tuy nhiên, tham vấn viên sẽ đặt ra những câu hỏi để giúp làm rõ vấn đề bạn đang đối diện. Nếu có câu hỏi nào khiến bạn cảm thấy không thoải mái, hãy thẳng thắn nói lên cảm giác của bạn. Và không chỉ giới hạn ở việc đặt câu hỏi, bất cứ khi nào trong buổi tham vấn bạn cảm thấy không thoải mái, hãy lên tiếng. Một tham vấn viên tốt sẽ luôn tôn trọng và ghi nhận những cảm giác cũng như ý kiến cá nhân của bạn. Việc bạn thành thực và cởi mở với tham vấn viên sẽ giúp thúc đẩy quá trình tham vấn một cách tích cực và đạt được kết quả như mong đợi.

NỖI SỢ 3:
Tham vấn viên sẽ đưa ra những lời khuyên mà tôi không muốn (hoặc tôi cũng nghe chán rồi!)

Bạn có thể “ngã ngửa” vì ngạc nhiên là tham vấn viên rất hiếm khi đưa ra lời khuyên. Thực sự là như vậy. Một buổi tham vấn trông rất giống mà thực ra lại rất khác một cuộc trò chuyện “gỡ rối” thông thường. Điều tạo nên sự khác biệt là ở chỗ nhà tham vấn không cố gắng để áp đặt lên bạn bất kỳ quan điểm cá nhân chủ quan nào – điều mà rất thường xảy ra trong các tương tác người người khác. Việc đưa ra lời khuyên, trên khía cạnh nào đó cũng là một hình thức áp đặt quan điểm của mình lên người khác và đây là điều mà tham vấn viên đặc biệt tránh.

Vậy rút cuộc tham vấn viên sẽ cho tôi điều gì? – bạn tự hỏi. Tham vấn viên trước hết cho bạn sự lắng nghe và chấp nhận (điều tưởng dễ mà hiếm khi có được trong cuộc sống thường nhật!). Tham vấn viên sau đó sẽ cùng bạn thảo luận những gì bạn chia sẻ để cùng tìm ra những góc nhìn mới vào một vấn đề tưởng chừng như đã cũ hay “không lối thoát”. Cuộc thảo luận này đôi khi sẽ kéo dài trong nhiều buổi và đòi hỏi ở nhà tham vấn những kỹ năng nghề nghiệp có thể viết lại thành “bát bộ kinh thư” để giúp vấn đề được sáng tỏ.
Nhưng trên tất cả…

Nhà tham vấn không bao giờ tự đặt mình ở vị trí “chiếu trên” để cho bạn những lời khuyên bạn “nên” hay “phải” làm gì.

Hãy hình dung nhà tham vấn chính là người đồng hành cùng bạn trên con đường khám phá chính mình và cuộc sống

NỖI SỢ 4:
Làm sao một người hoàn toàn xa lạ có thể giúp được tôi?

Chính sự “xa lạ” lại có thể đem đến cho bạn những lợi ích không ngờ. Đã bao lần bạn cảm thấy thật khó khăn để chia sẻ những khúc mắc của mình với người trong gia đình, bạn thân hay đồng nghiệp? Chắc chắn là không ít lần. Và lý do đằng sau đó thường là bởi những người này biết bạn quá rõ! Do đó, họ có thể làm bạn tổn thương hay gây tác động đến cuộc sống của bạn theo những cách bạn không mong muốn.

Với tham vấn viên, họ không bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác về bạn hay đánh giá bạn dựa trên những sự kiện đã diễn ra. Điều này cho phép tham vấn viên lắng nghe bạn mà không phán xét và nhờ đó có được một góc nhìn hết sức khách quan về chính bản thân bạn và khúc mắc bạn đang đối diện. Đó chính là cơ sở để bạn và tham vấn viên cùng tháo gỡ vấn đề.

NỖI SỢ 5:
Tham vấn sẽ tiêu tốn của tôi cả một gia tài!!

Không thể phủ nhận rằng chi phí tham vấn không hề rẻ. Tại Việt Nam, chi phí này chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả. Mức phí cho một ca tham vấn thường được định mức dựa vào bằng cấp và kinh nghiệm của tham vấn viên – người mất nhiều năm nỗ lực theo học tham vấn tâm lý bài bản.

Gợi ý từ phía Carota là bạn hãy thử dựa vào chi phí cơ hội để quyết định xem có nên đi tham vấn hay không. Một phép tính đơn giản, bạn sẵn sàng “chi” hai ly trà sữa cho tham vấn viên hay hy sinh năng suất lao động và chất lượng cuộc sống của bạn vì tâm lý không khỏe? Có lẽ bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình.