Trong phần 1, Carota đã giới thiệu đến bạn hai phương pháp trị liệu – Nhận thức Hành vi (CBT) và Hành vi Biện chứng (DBT). Mời bạn cùng tìm hiểu về ba phương pháp tiếp theo trong bài viết này.
3. Phân tâm học (psychoanalytic/psychodynamic therapy)
Tìm vào vô thức – con đường của phân tâm học
Phân tâm học khởi nguồn từ học thuyết về tâm trí của nhà tâm thần học người Áo – Sigmund Freud. Quan điểm của phân tâm học cho rằng hành vi, cảm xúc và cả suy nghĩ của chúng ta chịu tác động lớn bởi vô thức. Những gì nằm trong vô thức của mỗi người lại có liên hệ mật thiết tới những trải nghiệm thời thơ ấu. Nhiều vấn đề trong hiện tại có thể được truy về những khúc mắc chưa từng được khám phá hay giải quyết trong quá khứ.
Các kĩ thuật trong phân tâm học đòi hỏi được thực hiện bởi các nhà chuyên môn được đào tạo chuyên biệt theo hướng tiếp cận này. Các nhà trị liệu phân tâm phải trải qua quá trình đạo tạo khắt khe. Trong đó, nhà trị liệu cũng phải được trị liệu phân tâm bởi chuyên gia khác. Điều này để đảm bảo họ hiểu và kiểm soát được những quá trình vô thức của chính mình. Nếu không, có thể gây tác động không tốt lên thân chủ của họ trong quá trình trị liệu.
Do sự hấp dẫn đặc trưng của việc tìm hiểu vô thức, hiện tại ở Việt Nam có không ít các cá nhân hoặc tổ chức “mượn danh” trị liệu phân tâm để thu hút khách hàng. Cho dù chất lượng dịch vụ của họ chưa được kiểm chứng.
Bạn cần đặc biệt lưu ý điều này. Nếu bạn định sử dụng dịch vụ tâm lý nào đó quảng cáo theo tiếp cận phân tâm, bạn cần tìm hiểu kĩ các thông tin sau:
- Chương trình đào tạo phân tâm mà nhà trị liệu theo học là gì? Đó có phải một chương trình uy tín và có cơ sở khoa học?
- Họ có được cấp chứng chỉ cho phép thực hành phân tâm học hay không?
- Họ đã được phân tâm trước đây bởi các nhà chuyên môn chính quy hay chưa?
- Họ có đồng ý gặp bạn trao đổi về phương pháp và kĩ thuật trị liệu trước khi bắt đầu trị liệu không?
Khác với CBT hay DBT, phân tâm học định hướng trị liệu dài hạn.
Quá trình trị liệu phân tâm có thể kéo dài nhiều năm, với tần suất buổi gặp hàng tuần có thể dao động từ một đến bốn buổi.
Một nhánh nhỏ của phân tâm học là tâm lý học động lực (psychodynamic therapy) được phát triển phục vụ trị liệu ngắn hạn. Phương pháp này thường đòi hỏi gặp mặt hàng tuần cùng nhà trị liệu từ một đến hai lần và không kéo dài quá 6 tháng.
Phân tâm học thường được khuyến nghị sử dụng cho các vấn đề như:
- Bệnh tâm thể (có các biểu hiện bất ổn về thể chất nhưng không tìm được nguyên nhân thực thể),
- Rối loạn nhân cách
- Sang chấn,
- Rối loạn ăn uống
- Trầm cảm trường diễn
4. Tiếp cận nhân văn (humanistic approach)
Đây là hướng tiếp cận nhấn mạnh đến tính cá nhân độc đáo của mỗi người.
Tiếp cận nhân văn không coi những biểu hiện ở thân chủ như triệu chứng của một “bệnh” nào đó. Thay vào đó, chúng được nhìn nhận như những đặc trưng riêng có của mỗi người trong tương quan với hoàn cảnh sống.
Tiếp cận nhân văn khám phá cách bạn nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như cách mà góc nhìn này tác động lên cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bạn. Cách tiếp cận này chú trọng đến những điểm mạnh, những hành vi tích cực và bản chất tốt đẹp của mỗi người. Mục tiêu của tiếp cận nhân văn là giúp bạn hiện thực hóa tối đa tiềm năng bên trong của mình thông qua tự nhận thức và chấp nhận bản thân.
Điều này được thực hiện bằng việc cho phép thân chủ dẫn dắt quá trình tham vấn thay vì trao đổi trên một “danh sách” liệt kê các vấn đề. Nhà trị liệu theo trường phái nhân văn tin tưởng quyết định của bạn về cách bạn muốn tiếp cận vấn đề trong mỗi phiên trị liệu.
Tiếp cận nhân văn bao gồm nhiều phương pháp chẳng hạn như nhân vị trọng tâm (person-centered approach), tâm lý học tích cực (positive psychology), hay tâm lý học hiện sinh (existential psychology).
5. Trường phái triết chung
Trường phái triết chung là cách tiếp cận phối hợp đa dạng các thành tố của nhiều phương pháp trị liệu khác nhau.
Từ đó tạo nên một chương trình trị liệu linh hoạt và cá nhân hóa cho từng khách hàng. Có những băn khoăn về trường phái trị liệu này, cho rằng điều đó có nghĩa tham vấn viên không có một nền tảng lý thuyết chắc chắn và toàn diện cho công việc của mình.
Thực tế là các tham vấn viên theo trường phái triết chung đều có một định hướng trị liệu chính. Tuy vậy, họ có thể áp dụng linh hoạt cả những kĩ thuật trị liệu từ một phương pháp khác, nếu điều này cho phép gia tăng hiệu quả trị liệu.
Điều quan trọng là tham vấn viên được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực hiện các kĩ thuật trị liệu mà họ dự định thực hiện với thân chủ.
Trường phái triết chung có thể tiếp cận nhiều vấn đề tâm lý đa dạng, tùy thuộc vào nhu cầu và mục tiêu trị liệu mà bạn thiết lập cùng tham vấn viên. Một nhánh nhỏ của trị liệu triết chung tập trung xử lý các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), thường kéo dài khoảng 16 buổi.
Đâu là phương pháp trị liệu phù hợp cho tôi?
Một vài câu hỏi sau đây có thể giúp bạn định hướng lựa chọn phương pháp trị liệu phù hợp:
- Vấn đề mà bạn muốn trao đổi với tham vấn viên là gì?
- Đó là một vấn đề mới nảy sinh hay đã có từ lâu?
- Ưu tiên tham vấn của bạn là gì? Tăng nhận thức về bản thân và về vấn đề của mình hay tập trung thay đổi hành vi?
- Thời gian bạn có thể cam kết cho quá trình trị liệu?
- Có các tham vấn viên được đào tạo bài bản để thực hiện phương pháp trị liệu bạn muốn không?
- Chi phí tham vấn với từng phương pháp như thế nào? Mức chi phí nào phù hợp với bạn?
Bạn cũng có thể thử đặt lịch gặp với các nhà tham vấn theo các phương pháp tiếp cận khác nhau để trải nghiệm cách họ tiếp cận vấn đề của bạn, từ đó chọn ra người phù hợp nhất.
Luôn tìm hiểu kĩ thông tin về chương trình đào tạo mà tham vấn viên đã tham gia cũng như kinh nghiệm họ có. Tham vấn cũng là một quá trình hết sức riêng tư. Vậy nên có thể bạn sẽ cảm thấy kết nối tốt hơn với một tham vấn viên cho dù nhiều tham vấn viên đều có chung một cách tiếp cận.
Tại Carota, các thông tin về bằng cấp cũng như kinh nghiệm của tham vấn viên luôn được công khai. Carota cũng xây dựng quy trình giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất với mức giá phù hợp nhất cho bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về các tham vấn viên và mức phí tại đây.
Đọc thêm:
5 phương pháp trị liệu tâm lý phổ biền (phần 1)
12 dấu hiệu bạn nên đi tham vấn tâm lý