Tham vấn tâm lý khi nào thì nên đi? Chúng ta đều có lúc cảm thấy “tụt mood”, lo âu, hay chán nản. Phần lớn thời gian, chúng ta có thể tự điều chỉnh lại và vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Thế nhưng, có những thời điểm đặc biệt khó khăn hơn những thời điểm khác. Bạn nhận thấy bản thân không còn quản lý được công việc hay cuộc sống cá nhân như trước. Và cho dù bạn cố gắng, bạn không cảm thấy như mọi chuyện được cải thiện. Trong trường hợp đó, có lẽ bạn cần đến tham vấn tâm lý.
Tham vấn tâm lý có thể giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề. Tham vấn viên cũng giúp bạn tăng cường năng lực giải quyết vấn đề. Bạn sẽ học được cách thay đổi hành vi không mong muốn. Từ đó, bạn làm chủ cuộc sống tốt hơn.
Dưới đây là 12 dấu hiệu điển hình bạn có thể cần đi tham vấn tâm lý:
1. Bạn không còn hứng thú với các hoạt động trước đây từng yêu thích
Những sở thích trước đây không còn khiến bạn hào hứng. Hoặc, bạn cảm thấy khó khăn để bắt đầu các nhiệm vụ hàng ngày.
2. Tâm trạng của bạn thay đổi thất thường
Bạn nhận thấy bản thân nhạy cảm hơn. Có thể dễ cáu kỉnh hơn hay dễ xúc động và khóc nhiều hơn.
3. Thay đổi trong thói quen ăn uống
Bạn thường bỏ bữa, chán ăn, hoặc ăn nhiều hơn mức bình thường. Điều này có thể đi kèm những thay đổi về cân nặng.
4. Vấn đề giấc ngủ
Bạn có thể trằn trọc, khó vào giấc, hoặc ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc giữa đêm. Cũng có khi bạn ngủ nhiều hơn bình thường và luôn thấy muốn ngủ thêm.
5. Thu mình, né tránh giao tiếp
Bạn không muốn nhận cuộc gọi hay trả lời tin nhắn của mọi người. Bạn từ chối tụ tập bạn bè vì việc đó khiến bạn mệt mỏi hay quá sức. Tại nơi làm việc, bạn né tránh tương tác với mọi người hoặc duy trì ở mức độ tối thiểu.
6. Phụ thuộc chất kích thích
Bạn lệ thuộc vào chất kích thích để giúp bản thân khuây khỏa. Bạn nhận thấy bản thân hút thuốc nhiều hơn hoặc phải dùng đồ uống có cồn để giải tỏa. Trong nhiều trường hợp, bạn trở nên phụ thuộc vào một số dạng hành vi nào đó để đối phó với stress. Chẳng hạn như shopping, tình dục, hay game online.
7. Khó khăn trong các mối quan hệ
Bạn dễ nổi nóng với người yêu hay gia đình. Dường như bạn không có đủ thời gian hay sức lực cho các mối quan hệ. Bạn luôn cảm thấy quá mệt mỏi hoặc không còn quan tâm.
8. Năng suất làm việc/học tập suy giảm
Bạn bị mất tập trung, mắc các sai sót mà trước đây không thường mắc phải. Hoặc bạn dễ mệt khi phải làm một nhiệm vụ phức tạp. Sức sáng tạo của bạn cũng bị cùn mòn.
9. Bạn đã thử nhưng không có cách nào hiệu quả
Bạn thử các cách thức giảm căng thẳng như trước đây hay làm. Chẳng hạn như nghỉ ngơi nhiều hơn hay trò chuyện với bạn bè. Tuy nhiên, các cách thức này dường như không còn hiệu quả.
10. Bạn cảm thấy mất phương hướng
Bạn không rõ bản thân cần hay mong muốn điều gì. Nhiều khi, chỉ là một cảm giác “có gì đó sai sai” nhưng bạn không thể thực sự diễn tả được nó hay biết vì sao như vậy.
11. Bạn cô đơn, không biết tìm sự trợ giúp từ ai
Bạn có thể quen biết nhiều người nhưng không ai trong số đó có thể giúp bạn. Có thể bạn cảm thấy không đủ tin tưởng để chia sẻ với họ. Hoặc bạn nhận thấy họ không có kiến thức hay kinh nghiệm để giúp bạn. Trong nhiều trường hợp, bạn cảm thấy cô đơn. Bạn cần một người đồng hành trên chặng đường này.
12. Bạn vừa trải qua một sự kiện chấn động
Đó có thể là một mất mát to lớn như mất người thân, bạn bè, hay thú cưng. Đó cũng có thể là là một thất bại trong công việc. Một số khác, có thể là những tình huống như bị bắt nạt hoặc tấn công tình dục.
Nếu bạn thấy bản thân có các dấu hiệu trên đây, đừng ngần ngại đặt lịch tham vấn. Carota khuyên bạn đừng đợi đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng để tìm sự trợ giúp. Chúng ta sẽ không đợi đến khi cơ thể suy sụp mới đi khám bác sĩ. Sức khỏe tinh thần cũng không ngoại lệ. Đừng đợi đến khi tinh thần suy sụp mới tìm tham vấn viên bạn nhé.