Rối loạn trầm cảm điển hình (major depressive disorder, hay gọi tắt là trầm cảm điển hình) là một dạng rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác buồn bã và mất hứng thú kéo dài. Rối loạn này làm ảnh hưởng tới cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bạn. Nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề về cảm xúc và cả thể chất. Bạn có thể gặp khó khăn để duy trì sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi, bạn có thể cảm thấy như cuộc sống không có ý nghĩa.
Rối loạn trầm cảm điển hình không đơn giản chỉ là nỗi buồn. Nó cũng không phải do bạn “không cố gắng tốt lên”. Rối loạn trầm cảm đòi hỏi được trị liệu, đôi khi trong thời gian dài. Nhưng đừng vì vậy mà từ bỏ bạn nhé! Đa số mọi người cảm thấy tốt hơn khi được trị liệu.
Triệu chứng của rối loạn trầm cảm điển hình
Trầm cảm điển hình có thể chỉ xảy ra một lần trong đời với một số người. Nhưng thông thường, rối loạn này xảy ra nhiều lần. Mỗi lần được coi là một giai đoạn trầm cảm. Trong giai đoạn trầm cảm, các triệu chứng dưới đây xảy ra hầu như mỗi ngày và kéo dài hầu hết thời gian trong ngày:
- Cảm thấy buồn bã, trống rỗng, tuyệt vọng, hay dễ khóc
- Có các cơn giận dữ bộc phát, bực bội trong người ngay cả với những vấn đề nhỏ nhất
- Mất hứng thú với hầu hết các hoạt động thông thường, kể cả các sở thích cá nhân
- Rối loạn giấc ngủ, bị mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng, ngay cả những việc nhỏ nhất cũng thấy khó khăn
- Ăn không ngon, sút cân, hoặc thèm ăn nhiều và tăng cân
- Lo lắng, bứt rứt, hoặc khó thư giãn
- Suy nghĩ chậm chạp, tốc độ nói chậm, hoặc cử động chậm chạp
- Cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi, ám ảnh với những thất bại trong quá khứ. Đổi lỗi cho bản thân quá nhiều
- Khó suy nghĩ mạch lạc, khó tập trung, khó đưa ra quyết định, khó ghi nhớ
- Suy nghĩ về cái chết, có suy nghĩ tự sát, hoặc thử tự sát
- Có những vấn đề thể chất không rõ nguyên nhân, như đau lưng, đau đầu
Đa số người mắc rối loạn trầm cảm điển hình biểu hiện các triệu chứng rõ ràng và có thể quan sát được trong cuộc sống hàng ngày. Một số người khác có thể cảm thấy đau khổ hay không hạnh phúc mà không rõ vì sao.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự gây ra rối loạn trầm cảm vẫn chưa được xác định. Tương tự như nhiều rối loạn tâm lý – tâm thần khác, có nhiều yếu tố liên quan đến nguyên nhân gây ra trầm cảm:
- Khác biệt trong não bộ. Các chất dẫn truyền thần kinh được cho là có vai trò trong rối loạn trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy những thay đổi chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến tâm trạng. Ngoài ra, cũng có các nghiên cứu chỉ ra những thay đổi thực thể trên não bộ của người có trầm cảm. Tuy mức độ tác động của những thay đổi này chưa hoàn toàn được làm rõ, nó cũng có thể có vai trò trong rối loạn trầm cảm.
- Hóc-môn. Việc thay đổi trạng thái cân bằng hóc-môn trong cơ thể cũng có thể là một phần nguyên nhân hoặc yếu tố khởi phát trầm cảm. Thay đổi hóc-môn có thể được quan sát trong thai kì, giai đoạn hậu sản, mãn kinh, hoặc ở một số chứng bệnh.
- Yếu tố di truyền. Những người có người thân mắc rối loạn trầm cảm thường có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra gen có thể tác động đến nguyên nhân gây ra trầm cảm.
Đọc thêm: Trầm cảm có lây không?
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ trầm cảm
Trầm cảm thường bắt đầu trong giai đoạn 20 – 30 tuổi. Trong số những người được chẩn đoán có rối loạn trầm cảm, phụ nữ thường nhiều hơn nam giới. Tuy vậy, sự chênh lệch này có thể là do phụ nữ thường có xu hướng tìm kiếm hỗ trợ nhiều hơn.
Những yếu tố có khả năng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm bao gồm:
- Một số yếu tố thuộc về tính cách như hay phụ thuộc, hoặc bi quan
- Những sự kiện căng thẳng hoặc gây sang chấn, như mất người thân, khó khăn kinh tế
- Có người thân mắc rối loạn trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu, hoặc tự sát
- Thuộc cộng đồng LGBTQ, hoặc có những khác biệt trong phát triển bộ phận sinh dục
- Từng mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
- Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích
- Có các bệnh thể chất nghiêm trọng hoặc mãn tính như mắc ung thư, đột quỵ, hoặc bệnh tim mạch
- Đang sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn thuốc điều trị huyết áp cao, hoặc thuốc ngủ (hãy trao đổi với bác sĩ của bạn trước khi quyết định dừng thuốc!)
Những cách phòng ngừa trầm cảm điển hình
Cho đến nay chưa có biện pháp nào được chứng minh có thể ngăn ngừa trầm cảm hoàn toàn. Tuy vậy, một vài gợi ý dưới đây có thể có ích:
- Chủ động quản lý căng thẳng. Tăng cường khả năng ứng phó với căng thẳng và nâng cao sự tự tin.
- Tìm kiếm hỗ trợ từ bạn bè và người thân, nhất là trong những giai đoạn khó khăn, để giúp bản thân bạn vượt qua.
- Tham gia trị liệu ngay từ khi có các dấu hiệu sớm cho thấy bạn đang không ổn, hạn chế việc các triệu chứng trầm cảm trở nên tệ hơn.
- Cân nhắc việc có hỗ trợ đều đặn và lâu dài để phòng ngừa trầm cảm tái phát.
Lược dịch từ bài viết Depression (major depressive disorder) trên trang Mayo Clinic. Link bài gốc: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/symptoms-causes/syc-20356007