“Quá nhạy cảm”; “Phản ứng thái quá”; “Động tí là khó chịu”. Đó là những nhận xét không mấy dễ chịu mà người khác dành cho những người nhạy cảm cao (Highly Sensitive Person – HSP).
Họ (Highly Sensitive Person – HSP) là ai?
“Người nhạy cảm cao” lần đầu được đưa ra bởi hai nhà tâm lý học Elaine Aron và Arthur Aron từ những năm 1990 [1]. Tính nhạy cảm được hiểu là mức độ chúng ta phản hồi lại những kích thích từ môi trường. Về mặt cơ thể hay cảm xúc. Chúng ta có thể có nhạy cảm xúc giác và dễ bị khó chịu bởi các loại chất liệu thô sần. Có người có nhạy cảm về cảm xúc và dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi trong tâm trạng của người khác. Mỗi cá nhân đều có một mức độ nhạy cảm nhất định.
Tuy vậy, họ cảm nhận mọi kích thích sâu sắc và mạnh mẽ hơn những người khác.
“Đó không chỉ là về cảm xúc. Đó còn là về sự nhạy cảm với chất liệu hay âm thanh. Bạn có thể sẽ không thích đám đông ồn ào hay ánh sáng mạnh” [2].
Theo Tiến sĩ tâm lý Chivonna Childs
Những dấu hiệu thường thấy ở người nhạy cảm cao [1] [2]:
Không thích phim ảnh hay nội dung bạo lực. Chúng có thể kích động cảm xúc mạnh và khiến họ thấy bất an
Dễ dàng bị quá tải bởi các kích thích giác quan, chẳng hạn như tiếng ồn, ánh sáng mạnh, hay chất liệu vải
Cần thời gian yên tĩnh để lấy lại cân bằng tâm lý. Ví dụ, dành thời gian một mình trong một không gian tối và tĩnh lặng
Dễ rung động trước cái đẹp và cảm nhận sâu sắc cái đẹp, dù là nghệ thuật hay thiên nhiên
Có đời sống nội tâm phong phú, với nhiều chiêm nghiệm và cảm xúc sâu sắc
Khoảng 20% dân số thuộc nhóm người nhạy cảm cao [2]. Nếu bạn muốn đánh giá chính xác hơn mức độ nhạy cảm của mình, bạn có thể thực hiện trắc nghiệm được phát triển bởi Aron tại link https://hsperson.com/test/highly-sensitive-test/ (bằng tiếng Anh).
Tính nhạy cảm cao không được coi là một rối loạn tâm lý
Thuộc nhóm người nhạy cảm cao không mang nghĩa bạn có vấn đề tâm lý. Nhạy cảm cao được hiểu như một nét đặc trưng trong tính cách và sẽ khác biệt ở mỗi người [3].
Mặc dù vậy, có không ít những thách thức đặt ra với người nhạy cảm cao. Chẳng hạn, việc bạn nhanh chóng “đọc” và “cảm” được điều người khác đang cảm nhận. Điều này giúp bạn có được những kết nối sâu sắc với người khác. Thế nhưng bạn cũng dễ dàng bị kiệt sức. Hay, với việc nhịp sống ngày càng gấp gáp, nhu cầu được tĩnh lặng của bạn sẽ liên tục bị thử thách.
Vệc chăm sóc bản thân là đặc biệt cần thiết với người nhạy cảm cao. Bạn nên ngủ đủ giấc và dành ra thời gian riêng mỗi ngày để “sạc” năng lượng. Nếu bạn thấy quá căng thẳng hay lo âu, hãy chuyện cùng nhà tham vấn để được hỗ trợ.
——–
Carota – Nền tảng tham vấn tâm lý online chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam
Download app tại đây: http://onelink.to/carota