“Chỉ mỗi ăn với học mà cũng stress”; “Con nhà người ta vừa phải phụ gia đình vừa học giỏi. Còn con nhà mình thì chỉ mỗi học mà cũng không xong”… Trong chuỗi tư vấn tâm lý học đường hiện nay, Carota thấy rằng, áp lực này là chất axit đang ăn mòn tâm lý của người trẻ.

Ai cũng có những áp lực cho riêng mình. Nhất là những người trẻ đang còn trên ghế nhà trường. Bên ngoài có thể họ chỉ ăn với học nhưng trong lòng đầy ắp những khó khăn.

Carota nghĩ rằng, chúng ta (bao gồm cả phụ huynh, các em học sinh,…) cần có cái nhìn khác đi. Trong bài viết này, Carota xin được gọi các em học sinh là Em, và “phụ huynh” là Cha Mẹ. Vì chúng mình cũng có lần nào đó là người trong cuộc.

Áp lực thi cử: Chất "axit" ăn mòn cuộc sống con trẻ

Để Em học vì bản thân thay vì học cho giấc mơ của Cha Mẹ

Áp lực, kỳ vọng từ gia đình là một trong những yếu tố gây ra căng thẳng cho các Em. Cha Mẹ thường muốn Em theo những ngành họ muốn thay vì những ngành Em thích. Em “chằm kẽm”, mất niềm tin vì chưa đủ năng lực; không thích; không hứng thú. Hệ quả là, Cha Mẹ hay than trách Em sao mà lười học quá; ngược lại, Em cũng ấm ức không kém vì không được học theo ý mình.

Thay vì giữ rịt quan điểm “áp lực tạo kim cương” , Cha Mẹ nên cho phép Em tìm hiểu và theo đuổi những điều các em muốn. Hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe Em kể về cái em thích. Em muốn đi “đu” idol, làm reviewer, đi đây đó… Đừng xen ngang hay phán xét giữa chừng! Vì những điều Em nói là cái mà các em có thể đầu tư thời gian và làm tốt nhất. Lúc này, với những kinh nghiệm từng trải, Cha Mẹ hãy hướng con tới những ngành nghề tiềm năng dựa trên những đam mê ấy. 

“Học quản trị du lịch và quay vlog cũng thú vị con nhỉ?” “Con nghĩ sao về Marketing để làm việc với người nổi tiếng?”

Cha Mẹ cần có những gì để dễ dàng đối thoại với các Em?

Kiên nhẫn

Ban đầu, Em có thể không thổ lộ hết lòng mình. Hoặc, Em không tìm được ngôn từ phù hợp để diễn đạt ý mình. Cha Mẹ cũng đừng nôn nóng. Càng nhẫn nại bao nhiêu, con càng có thời gian trải lòng bấy nhiêu. 

Tôn trọng

Ẩn sau mỗi mong muốn của con là một câu chuyện. Thế nên, Cha Mẹ không nên khiến con cảm thấy ước mơ của mình bị xem nhẹ . Đừng nói “Ui dào, làm đầu bếp thì có gì mà đáng làm. Con người ta toàn học bác sĩ, công an không kìa!”. Hãy nói “con có thể cho bố mẹ biết là tại sao con thích nghề đầu bếp không?”

Khoan hãy phủ nhận những gì Em nói. Lắng nghe trước để hiểu vì sao Em chọn như vậy. Và quan trọng hơn, nghe để thấy lựa chọn của em vậy đủ cơ sở chưa. Nếu chưa thì đây chính là điểm mà Cha Mẹ có thể tham gia góp ý. Đó mới chính là điều các em cần.

Trung thực và nhất quán

Các Em rất nhạy khi Cha Mẹ nói dối. Vì thế, Cha Mẹ hãy thẳng thắn nói ra những suy nghĩ của mình. Song, Cha Mẹ cũng nên nói ra nỗi lòng của mình với sự bình tĩnh và tôn trọng con.

Ngoài ra, Cha Mẹ chỉ nên hứa những điều mà mình có thể làm. Tránh trường hợp phụ huynh cứ hứa nhưng không làm được. Cuối cùng, các Em mất niềm tin và coi nhẹ lời của đấng sinh thành.

Tích cực

Có những lúc các Em chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Cha Mẹ. Hoặc, nhiều Em có ước mơ không thực tế so với năng lực của mình. Tuy nhiên, thay vì nói quá thẳng thắn là không-được-đâu, thì cha mẹ hãy phân tích cho Em những điều được – mất, những điểm mạnh-yếu. Hãy tập trung vào những điều tốt đẹp mà Em đang làm.

Lời kết

Cha Mẹ là những người gần gũi con em mình nhất. Hãy tận dụng lợi thế đó để làm bạn với Em. Nếu nhưng đã rất kiên nhẫn, đã rất cởi mở nhưng chuyện vẫn “không đi đến đâu”, Cha Mẹ vẫn có một cách thức khác đó là Tham vấn tâm lý. Carota luôn sẵn sàng giúp đỡ để Cha Mẹ và các Em xích lại gần nhau. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ fanpag Carota tại: https://www.facebook.com/carotamentalhealth

Categories: KỂ TỚ NGHE