Chuyện gì sẽ xảy ra khi đi tham vấn? Đi tham vấn thì nói gì?

Nếu bạn từng băn khoăn như vậy, hãy cùng Carota tìm hiểu trong bài viết này. (Mời bạn click vào từng ảnh để đọc thêm!)

𝗟𝘂̛𝘂 𝘆́: Có nhiều hình thức tham vấn khác nhau (tham vấn cá nhân/ nhóm; tham vấn gia đình / cặp đôi; kết hợp giữa tham vấn cá nhân và nhóm,…). Mỗi hình thức đều có một số đặc điểm riêng. Bài viết này chủ yếu dựa trên hình thức tham vấn cá nhân. Tuy vậy, thông tin trong bài đưa ra vẫn hữu ích để tham khảo cho cả các hình thức tham vấn khác.

Trong đa số trường hợp, bạn sẽ cần nhiều hơn một buổi tham vấn để có thể xử trí vấn đề của mình. Số lượng buổi tham vấn sẽ khá linh hoạt, tùy thuộc vào vấn đề bạn đang có cũng như các tiếp cận trị liệu của tham vấn viên.

Các buổi tham vấn cá nhân thường kéo dài trong khoảng 50 – 60 phút. Các buổi tham vấn nhóm có thể kéo dài hơn. Thông thường, các buổi tham vấn sẽ diễn ra mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, với từng trường hợp cụ thể, nhà tham vấn sẽ trao đổi với bạn về mức độ thường xuyên của các ca tham vấn. 

BUỔI THAM VẤN ĐẦU TIÊN
———-
Trong chuỗi các buổi tham vấn thì buổi tham vấn đầu tiên khá đặc biệt. Mục đích của buổi tham vấn đầu tiên không chỉ là tìm hiểu vấn đề bạn đang có mà còn cả cách thức mà bạn và nhà tham vấn sẽ làm việc cùng nhau.

Thông thường, trong buổi gặp đầu tiên, nhà tham vấn sẽ 𝗸𝗵𝗼̂𝗻𝗴 đi ngay vào thảo luận vấn đề của bạn mà sẽ dành thời gian trao đổi với bạn về các quy định cũng như cách thức làm việc. Nội dung có thể bao gồm:

  •  Các quy định hay chính sách về bảo mật thông tin
  •  Giới hạn nghề nghiệp và phạm vi hỗ trợ của dịch vụ
  •  Tiến trình tham vấn (kéo dài bao nhiêu buổi? thời lượng cho mỗi buổi? quy trình làm việc ở các buổi tham vấn)
  •  Phương pháp hay trường phái tâm lý mà nhà tham vấn sử dụng để tiếp cận vấn đề của bạn
  •  Bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc nào bạn có về quá trình tham vấn

Một nhà tham vấn chuyên nghiệp sẽ luôn chủ động đưa ra những nội dung này để cùng trao đổi với bạn. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà tham vấn không nêu đầy đủ các nội dung kể trên, bạn CÓ QUYỀN ĐƯỢC HỎI để có được các thông tin cần thiết. Đây là cơ sở để bạn quyết định có tiếp tục sử dụng dịch vụ hay không.

Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý từ phía Carota mà bạn có thể đặt ra cho nhà tham vấn trong buổi gặp đầu tiên nếu bạn chưa có được thông tin về phần nội dung này:
– Thông tin bạn chia sẻ với nhà tham vấn sẽ được bảo mật ra sao? Những trường hợp ngoại lệ trong bảo mật là gì?
–  Các thông tin của bạn sẽ được lưu trữ ra sao? Dưới dạng nào? Ai là người có quyền truy cập lưu trữ đó?
–  Quá trình tham vấn sẽ kéo dài bao lâu? Khi nào thì quá trình tham vấn kết thúc?
–  Bạn cần làm gì nếu bạn không thể tham gia buổi tham vấn đã đặt trước?

–  Bạn có được liên hệ với nhà tham vấn ngoài khuôn khổ buổi tham vấn không? Những quy định về việc liên hệ ngoài giờ là gì?
– Bạn cần làm gì nếu bạn cần hỗ trợ khẩn cấp?
– Nếu bạn gặp một nhà tham vấn độc lập, giá cả của dịch vụ tham vấn được tính như thế nào? Bạn sẽ chi trả sau mỗi buổi tham vấn; theo tháng hay theo gói dịch vụ? Cách thức thanh toán?

Với một số bên dịch vụ, họ có thể tách rời phần nội dung trên thành một buổi trao đổi riêng (có thể qua gọi điện hoặc gặp mặt trực tiếp) trước khi đi vào tham vấn. Còn với các trường hợp khác, các nội dung trên sẽ được coi như một phần của buổi tham vấn đầu tiên (~15 phút).

Nếu sau phần trao đổi, bạn đồng ý sử dụng dịch vụ, khoảng thời gian còn lại (~45 phút) sẽ được dành để lắng nghe câu chuyện của bạn. Nhà tham vấn sẽ lắng nghe, kết nối các chi tiết trong câu chuyện bạn kể để có hình dung sơ bộ về vấn đề của bạn. Với một số trường hợp, nhà tham vấn có thể gọi tên vấn đề và định hướng cách tiếp cận ngay trong buổi đầu tiên. Với một số khác, sẽ cần nhiều hơn một buổi để xác định chính xác vấn đề và có định hướng tiếp cận phù hợp.

Cần nhớ rằng mục tiêu tối thượng của tham vấn là đem lại lợi ích cho bạn. Vậy nên, bất kì khi nào bạn thấy không thoải mái hoặc có điểm khiến bạn lấn cấn, hãy thảo luận với nhà tham vấn. Đây là điều hết sức quan trọng để bạn thiết lập một mối quan hệ tin tưởng, lành mạnh và có lợi với tham vấn viên của bạn.

CÁC BUỔI THAM VẤN TIẾP THEO
———-
Cấu trúc và quy trình các buổi tham vấn tiếp theo phụ thuộc khá nhiều vào trường phái tâm lý mà tham vấn viên sử dụng. Trong các bài viết tiếp theo, Carota sẽ giới thiệu đến bạn một vài trường phái và cách tiếp cận trị liệu phổ biến và có thực chứng khoa học.

Thông thường thì các buổi tham vấn sẽ cách nhau 01 tuần. Tuy nhiên, với một số tình huống đặc biệt, có thể bạn sẽ cần gặp nhà tham vấn sớm hơn dự định hoặc cần hỗ trợ khẩn cấp. Hãy lưu tâm tới vấn đề này và thảo luận với nhà tham vấn trước để biết bạn cần làm gì hoặc liên hệ với ai để có sự hỗ trợ phù hợp.

Những nội dung làm việc trong các buổi tham vấn tiếp theo cũng khá đa dạng, có thể kể đến như:

  •  Những vấn đề bạn gặp khó khăn trong hiện tại
  • Lịch sử vấn đề (vấn đề xuất phát từ khi nào? Trong hoàn cảnh nào? Bạn đối diện với vấn đề đó như thế nào trước đây?…)
  • Suy nghĩ – cảm xúc – hành vi của bạn khi đối diện với vấn đề
  • Các mối quan hệ gia đình và xã hội của bạn trong hiện tại và quá khứ
  • Những sự kiện đáng chú ý xảy ra trước đây
  • Tuổi thơ của bạn
  • Những giá trị bạn theo đuổi
  • Những vấn đề xuất hiện trong các buổi làm việc trước.

Bạn cũng cần lưu ý rằng, tham vấn tâm lý không phải luôn luôn khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Đôi khi, tham vấn đòi hỏi bạn làm việc với những cảm xúc khó chịu hay thay đổi những dạng thức trong suy nghĩ, điều đó có thể tạo ra căng thẳng nhất định. Vậy nên, có khả năng bạn cảm thấy tệ hơn sau một buổi tham vấn nào đó. Tuy nhiên, nếu bạn thấy lo lắng về điều này hoặc các cảm xúc trở nên dữ dội, hãy thảo luận ngay với nhà tham vấn. Đôi khi, cảm giác khó khăn sẽ còn tiếp tục một thời gian. Điều quan trọng là cả bạn và nhà tham vấn hiểu rõ về lựa chọn tiếp tục tham vấn và bạn có được những hỗ trợ cần thiết để tiếp tục. Trong trường hợp thực sự cách tiếp cận mà hai bên đang thử không đem lại hiệu quả và bạn đã trao đổi điều đó với nhà tham vấn nhưng không có gì tiến triển, bạn được quyền kết thúc tham vấn.

———-