Ai trong chúng ta cũng có lúc cần được lắng nghe bởi một ai đó. Chúng ta hiểu rằng người đó cần là một người am hiểu về tâm lý con người. Nhưng người đó là ai? Tìm họ ở đâu? Chuyện gì sẽ diễn ra khi mình đi gặp họ? Có muôn vàn câu hỏi chúng ta đặt ra ở đây cho một dịch vụ trước giờ còn khá hạn chế tại Việt Nam – dịch vụ Tham vấn tâm lý.

Để đem đến cho bạn những hiểu biết xác đáng, khoa học và lành mạnh về dịch vụ tham vấn tâm lý, Carota sẽ đăng tải loạt bài viết về chủ đề “Hiểu về tham vấn tâm lý” để chúng mình cùng tìm hiểu nhé

THAM VẤN TÂM LÝ LÀ GÌ?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về tham vấn tâm lý. Để bạn dễ hiểu nhất, tham vấn tâm lý là hoạt động trong đó bạn trò chuyện cùng một nhà chuyên môn về những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần hay những khó khăn về cảm xúc của bản thân bạn. Cuộc trò chuyện sẽ xoay quanh cảm xúc, suy nghĩ và hành động của bạn trong các tình huống có liên quan đến vấn đề đó

Một vài đặc trưng ở tham vấn tâm lý mà không có ở các cuộc trò chuyện khác:

  •  Không có sự phán xét hay định kiến cá nhân can thiệp vào cuộc trò chuyện
  • Chủ đề của cuộc trò chuyện hoàn toàn là về bạn
  • Bạn có một không gian an toàn và cởi mở để nói về những cảm xúc phức tạp hay những suy nghĩ và hành động bạn cho là “khác người” hay bị cấm kị mà mình có

Nhà tham vấn sẽ đóng vai trò một người đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình đi từ tìm hiểu vấn đề đến xây dựng kỹ năng đối diện với vấn đề cho bạn. Nhà tham vấn sẽ giúp bạn:

  •  Hiểu hơn về bản thân bạn và vấn đề bạn đang đối diện (cách thức tư duy, lựa chọn hành động, phân tích cảm xúc)
  •  Hiểu, chấp nhận và hóa giải các vấn đề cảm xúc phức tạp cũng như tìm cách giúp bạn thích nghi và điều hòa chúng khi cần thiết
  •  Nhận diện những lối tư duy hay hành động không phù hợp, từ đó tìm giải pháp điều chỉnh (nếu bạn mong muốn)

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THAM VẤN (COUNSELLING) VÀ TRỊ LIỆU (PSYCHOTHERAPY) LÀ GÌ?

Trong tiếng Anh, thuật ngữ Talk therapies (trị liệu qua trò chuyện) dùng để chỉ tất cả các dạng hoạt động trò chuyện với nhà chuyên môn để giải quyết những khó khăn về cảm xúc, suy nghĩ hay hành vi, bao gồm cả tham vấn tâm lý (counselling) và trị liệu tâm lý (psychotherapy).

Có nhiều điểm trùng lặp giữa tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý (cùng áp dụng các học thuyết và phương pháp của ngành khoa học tâm lý; cùng hướng đến trị liệu các vấn đề sức khỏe tinh thần, etc). Trong nhiều trường hợp hai thuật ngữ này vẫn thường được sử dụng thay thế cho nhau.

Tuy nhiên, đôi khi hai thuật ngữ này có thể hàm ý sự khác biệt trong việc ai là nhà chuyên môn làm việc với bạn hoặc hàm ý khác biệt về cách tiếp cận hay phương pháp trị liệu. Chẳng hạn:

  •  Tham vấn tâm lý thường theo định hướng tập trung vào giải pháp (solution focused approach) và hướng đến các vấn đề tâm lý không nhất thiết phải đạt đến ngưỡng bệnh lí nhưng đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống của thân chủ. Trị liệu tâm lý, mặt khác, thường hướng đến các đối tượng có vấn đề tâm lý phức tạp hay biểu hiện vấn đề nghiêm trọng hơn. Trị liệu tâm lý cũng thường kéo dài hơn và gần hơn với mảng tâm lý lâm sàng (clinical psychology – lĩnh vực nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ các vấn đề tâm bệnh). Tuy vậy, trong thực tế thực hành nghề nghiệp, có những tham vấn viên (counsellor) vẫn trị liệu cho các trường hợp bệnh lí nếu trong giới hạn chuyên môn của họ; và các nhà trị liệu (psychotherapist) vẫn làm việc với các trường hợp vấn đề ít nghiêm trọng hơn mức có chẩn đoán rối loạn lâm sàng.
    Bạn có thể tham khảo thêm bài viết tại trang của Hiệp hội Tâm lý Hoa kì: https://www.apa.org/gradpsych/2009/03/similarities
  • Một vài phương pháp trị liệu đặc thù như Trị liệu thân nghiệm (Somatic Experiencing®) hay EMDR (Eye Movement Desensitization and Reprocessing Therapy) đòi hỏi nhà chuyên môn ngoài việc đã có các bằng cấp chính quy về tâm lý học (thường là bằng Thạc sĩ trở lên), cần hoàn thành các khóa đào tạo chuyên biệt về phương pháp đặc thù đó và nhận chứng chỉ để có thể thực hành chúng. Trong trường hợp này, họ thường được gọi là nhà trị liệu (psychotherapist) kèm theo tên phương pháp đặc thù họ được phép thực hành
  • Cũng có sự khác biệt trong quy định về bằng cấp (khác biệt ở mỗi quốc gia) để nhà chuyên môn được phép thực hành dưới chức danh tham vấn viên (counselor) hay nhà trị liệu tâm lý (psychotherapist). Trong nhiều trường hợp, để trở thành nhà trị liệu tâm lý đòi hỏi bằng cấp cao hơn và thời gian thực hành có giám sát chuyên môn nhiều hơn
  • —LƯU Ý—Trong khuôn khổ bài viết này cũng như các bài viết tiếp theo thuộc chủ điểm “Hiểu về tham vấn tâm lý” của Carota, để giản lược tên gọi thuật ngữ “tham vấn tâm lý” được dùng để chỉ chung cho cả tham vấn (counselling) và trị liệu (psychotherapy) tâm lý; tương tự thuật ngữ “nhà tham vấn” hay “tham vấn viên” được dùng để chỉ chung cả tham vấn viên (counsellor) và trị liệu viên (psychotherapist)

THAM VẤN TÂM LÝ KHÁC VỚI KHAI VẤN (COACHING) NHƯ THẾ NÀO?

  •  Cách đơn giản nhất để hình dung về sự khác biệt giữa khai vấn (coaching) và tham vấn (counselling) là nhìn vào mục đích của chúng. Bạn sẽ thấy tham vấn tập trung đặc biệt vào việc giải quyết hay chữa lành các vấn đề tâm lý. Các nhà tham vấn do đó được coi là các nhà chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần (mental health professionals). Ngược lại, khai vấn có định hướng tập trung vào nhóm đối tượng khỏe mạnh về tâm lý nhưng gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa một số mục tiêu của họ.
  •  Về mặt chuyên môn đào tạo, để thực hành nghề tham vấn tâm lý, bắt buộc cần có bằng cấp chính quy về lĩnh vực tâm lý học hoặc một số ngành gần như công tác xã hội lâm sàng (clinical social work). Với khai vấn, các coach không nhất thiết cần có các bằng cấp này. Họ có thể trở thành coach trong bất kì lĩnh vực nào mà họ có chuyên môn hay kinh nghiệm, từ hôn nhân đến kinh doanh đến sức khỏe.
  •  Hiện nay, coaching đang phát triển rất mạnh mẽ, cả ở Việt Nam và trên thế giới. Các coach cũng ngày càng cố gắng đưa các học thuyết khoa học về tâm lý hay các lĩnh vực khác vào làm nền tảng cho công việc của mình. Tuy nhiên, đa số các hoạt động coaching ít chịu sự kiểm soát cả về pháp lý và chuyên môn so với tham vấn. Điều này đặc biệt đúng ở các nước đã có nền khoa học tâm lý phát triển mạnh như Mĩ, Úc, Canada (có thể tham khảo thêm tại link này https://www.apa.org/monitor/2010/11/life-coaches).
  •  Ở Việt Nam, sẽ có nhiều lộn xộn hơn do ngành tâm lý học còn non trẻ, cũng chỉ mới có mã nghề mà chưa có các quy định quản lý chặt chẽ. Lời khuyên của Carota ở đây cho bạn là, dù chọn hình thức tham vấn hay khai vấn, luôn luôn tìm hiểu kĩ các thông tin về người sẽ cung cấp dịch vụ cho bạn và có sự đối chiếu giữa các bên dịch vụ khác nhau để chọn được dịch vụ uy tín và chất lượng nhất.