Trong suốt một tuần vừa qua, cái tên Naomi Osaka trở thành tiêu điểm của truyền thông thế giới. Tay vợt nữ đứng thứ 2 thế giới và là vận động viên nữ có thu nhập cao nhất hiện nay (1) đã tuyên bố rút khỏi giải quần vợt danh giá Pháp Mở rộng vào ngày 31.05. Trước đó, cô đã chịu án phạt 15.000 USD vì từ chối tham gia họp báo bắt buộc sau chiến thắng đầu tiên của mình tại mùa giải. Lí do của quyết định rời giải đấu này là vì vấn đề sức khỏe tinh thần. Trong bài post trên Twitter cá nhân ngày 01.06, Osaka chia sẻ cô trải qua “những giai đoạn trầm cảm kéo dài”(2) kể từ khi tham gia giải Mĩ Mở rộng vào năm 2018. Cô cũng chia sẻ bản thân là người hướng nội và có lo âu xã hội. Việc tham gia các cuộc họp báo quốc tế, vì thế, đặt thêm một áp lực lớn cho cô bên cạnh những trận đấu vốn đã cực kì căng thẳng.

Vấn đề mà Osaka gặp phải không chỉ là của riêng giới thể thao chuyên nghiệp. Đó là một vấn đề chạm đến tất cả chúng ta – việc đặt giới hạn cho bản thân mình. Chúng ta chấp nhận hy sinh bản thân đến mức độ nào để giữ lấy một vị trí công việc? Đã bao nhiêu lần chúng ta cho phép những người khác xâm phạm giới hạn của mình để đổi lại “hòa khí”? Hay có khi nào chúng ta đang tự hạ thấp chính những giới hạn của mình để được nhìn nhận như một người “gương mẫu”, “biết hy sinh”, “có năng lực” hay “đáng giá” trong mắt người khác? (hoặc để có thể cảm thấy ổn với chính mình?)

Hành động của Osaka – từ bỏ thay vì “cắn răng chịu đựng” – thực sự là một hành động dũng cảm. Bởi nó đi ngược lại một lối tư duy đã từng được cổ xúy mạnh mẽ trước đây và nay vẫn còn tồn tại – bạn càng chịu đựng tốt bao nhiêu, bạn càng đáng giá bấy nhiêu. Nếu bạn không tin, hãy thử nhìn lại một vài ví dụ sau đây để xem nó có từng xảy ra với bạn:

  • Khi bạn mệt mỏi hay quá tải bởi công việc, thay vì lựa chọn nghỉ ngơi và thư giãn, bạn cảm thấy có lỗi vì đáng ra bạn phải có khả năng gánh vác được hết những việc đó (bởi có như vậy bạn mới được coi là “làm việc năng suất”);
  • Khi bạn thấy buồn và đau khổ, bạn thất vọng với chính mình vì đáng lý ra bạn phải tích cực hơn (bởi có như vậy bạn mới là người “mạnh mẽ”);
  • Khi bạn gặp nhiều khó khăn, thay vì tìm kiếm sự trợ giúp, bạn cho rằng mình nên tự giải quyết được chúng (có như vậy bạn mới là người “tháo vát”).

Và còn muôn vàn các ví dụ khác nữa cho thấy rất nhiều người trong số chúng ta đang lựa chọn “cắn răng chịu đựng” mỗi khi giới hạn của bản thân bị xâm phạm, cho dù đó là giới hạn về sức khỏe thể chất, cảm xúc hay năng lực, để đổi lại những “mĩ từ” được cho là sẽ giúp chúng ta được chấp nhận và được nể trọng hơn trong xã hội.

Có thể đến đây bạn nhận ra vấn đề ở bản thân nhưng lại cho rằng hy sinh chính mình là lựa chọn duy nhất. Bài viết này là để cho bạn thấy bạn có một lựa chọn khác, chính như cách mà Osaka đã làm – thiết lập những giới hạn lành mạnh cho chính mình và tôn trọng chúng:

  • Đặt lại ưu tiên: Sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn luôn luôn là ưu tiên hàng đầu. Việc bạn nói “không” với một công việc ngoài giờ không có nghĩa bạn đang ích kỉ hay lười biếng. Đừng chỉ vì sự đánh giá của người khác mà xâm phạm chính giới hạn của mình;
  • Xác lập giới hạn lành mạnh: Chỉ có bạn là người biết rõ nhất điều gì là tốt nhất cho bản thân. Những người khác hầu hết không biết điều đó. Vậy nên, hãy rõ ràng trước nhất với chính mình về những giới hạn của bản thân bạn. Có như vậy bạn mới có thể nhận diện đâu là những đòi hỏi quá mức từ người khác;
  • Rõ ràng và cương quyết trong giao tiếp: Giữ một thái độ lịch sự nhưng kiên quyết khi nói về giới hạn của bản thân bạn. Trong trường hợp có xung đột lợi ích, hãy làm rõ cho bên kia biết bạn sẵn sàng thảo luận cùng họ để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả hai bên;-
  • Lựa chọn ai ở lại bên bạn: Đừng cho phép người khác xâm phạm giới hạn của bạn chỉ để giữ họ lại trong cuộc sống. Một người không thể tôn trọng những giới hạn lành mạnh của bạn là người xứng đáng để ra đi. Bạn sẽ thấy sẽ có những người lựa chọn ở lại bên bạn và học cách tôn trọng những giới hạn của cả hai bên. Đó là những người bạn thực sự cần trong cuộc sống

———–

Tham khảo:(1): https://edition.cnn.com/…/naomi-osaka-forbes…/index.html(2): https://twitter.com/naomiosaka/status/1399422304854188037…

———-