Chào Carota! Mình năm nay đã 30 tuổi – một độ tuổi không phải quá già nhưng cũng ko phải là trẻ. Mình tự nhận ra rằng mình là một cô gái vừa xấu lại vừa quá ngốc nghếch. Mình luôn luôn cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp và ngại gặp mặt bạn bè. 30 năm ko một mảnh tình vắt vai, công việc thì không ổn định, làm đâu hỏng đấy mặc dù mình cảm thấy mình đã rất cố gắng. Nhiều khi mình tự an ủi mình rằng chỉ cần mình tự thấy mình tốt hơn ngày hôm qua thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nhưng càng ngày mình càng nhận ra rằng không phải là như vậy. Suốt ngày mọi người cứ hỏi “Bao giờ lấy chồng?”, “lương tháng bao nhiêu?”, mình cảm thấy áp lực vô cùng đến nhiều khi không dám đi ăn cỗ gặp mặt họ hàng. Gần đây mình cảm thấy tính khí mình rất thất thường hay nổi cáu vì những chuyện không đâu vào đâu, mình thích ngồi một mình trong bóng tối, đêm có khi ko ngủ được ngồi lướt điện thoại đến 3-4h sáng mới ngủ được, mình cảm thấy rất mệt mỏi tâm bất an vô định. …Cảm ơn Carota đã lắng nghe mình nói. Hi vọng sẽ nhận được hồi âm từ phía các bạn!

———–

Chào bạn! Rất cảm ơn vì bạn đã tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của mình đến với Carota.Sau khi đọc chia sẻ của bạn, tôi cảm nhận được sự khó khăn và chật vật mà bạn đang phải đối diện trong cuộc sống hiện tại. Có vẻ như bạn đã rất buồn và bất lực trong lúc viết bài chia sẻ này. Những điều bạn chia sẻ cho thấy có vẻ như thật khó để bạn nhận ra được những điểm tốt đẹp của bản thân mình. Bạn bị tràn ngập bởi những suy nghĩ cho rằng bản thân mình không được tốt hay mình chẳng làm được điều gì để đạt được sự công nhận của mọi người xung quanh. Điều này có vẻ là nguyên nhân dẫn đến việc bạn thu mình và e ngại thể hiện bản thân mình cho người khác thấy. Dường như bạn đã rất cố gắng để có thể suy nghĩ tích cực hơn hay cảm thấy tốt hơn về bản thân mình. Nhưng mọi thứ không dễ dàng khi bạn phải đối diện với những câu hỏi thiếu nhạy cảm hay đôi khi tọc mạch từ những người xung quanh. Qua phân tích trên đây, tôi nhận định rằng bạn đang có một hình ảnh bản thân bị tổn thương. Hình ảnh bản thân bị tổn thương đặc trưng bởi một góc nhìn tổng quan khá tiêu cực về bản thân mình. Điều đó có nghĩa bạn sẽ có xu hướng đánh giá giá trị bản thân mình khá thấp hoặc giữ những phán xét khá gay gắt về những điểm còn chưa ổn ở bản thân. Người có tổn thương hình ảnh bản thân cũng thường có xu hướng trải nghiệm cảm xúc tiêu cực thường xuyên hơn như nỗi buồn, lo âu, cảm giác tội lỗi và đôi khi là cả sự ức chế hay giận dữ. Khi bạn có một hình ảnh bản thân bị tổn thương, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ xã hội. Bạn có thể trở nên cực kì nhạy cảm với bất kì lời nhận xét hay biểu hiện không tán thành nào ở người khác. Điều này dẫn đến xu hướng thu mình, né tránh giao tiếp “để khỏi bị tổn thương thêm”. Hay đôi khi là phát triển xu hướng muốn làm hài lòng người khác bất chấp quyền lợi chính đáng của mình. Cần nhiều thời gian để có thể hiểu được nguồn gốc của sự tổn thương hình ảnh bản thân này và tìm ra cách thích hợp nhất để chữa lành. Điều tôi có thể giúp bạn là gợi ý một số cách thức “chữa thương”, mong rằng bạn có thể thử và tìm được cách phù hợp nhất cho tổn thương của mình:

  • Học cách quan sát tổn thương mà mình có: cách thức này dựa trên nguyên lý “phải thấy rõ tổn thương thì mới có thể chữa lành”. Bạn có thể nhìn lại xem từ bao giờ hình ảnh bản thân mình bị tổn thương. Hay nói cách khác, từ bao giờ bạn bắt đầu hoài nghi về sự tốt đẹp của bản thân mình. Hãy đặt câu hỏi, đã có những tình huống nào xảy ra dẫn đến việc bạn kết luận rằng mình không có năng lực hay bản thân mình không đáng giá. Hãy đặt câu hỏi ngược lại cho những kết luận ấy. Liệu có nhất thiết phải là như vậy? Liệu một đôi lần làm lỡ việc có thể kết luận bạn chẳng bao giờ làm được việc gì ra hồn? Bạn cũng có thể học cách quan sát cách thức mà các thương tổn của mình bị kích hoạt bởi các tình huống trong hiện tại. Trong tình huống nào thì nó sẽ đau? Với ai thì nó sẽ đau? Có khi nào nó không đau (tức là bạn thấy tốt hoặc chí ít, không thấy tệ về bản thân mình). Việc quan sát kỹ hơn giúp bạn hiểu được tổn thương của mình hơn, từ đó có thể chủ động hơn trong việc chữa lành chúng. Đôi khi, có những tổn thương cảm xúc trong quá khứ chỉ đòi hỏi được bạn nhìn nhận và thấu hiểu để nó không còn đau nữa.
  • Đầu tư phát triển hình ảnh bản thân: học cách chấp nhận và yêu thương bản thân cũng đồng nghĩa với việc hiểu rằng bản thân bạn xứng đáng có được những điều tốt đẹp hơn. Hãy học cách chăm chút cho bản thân mình. Điều này vừa giúp tạo ra các cảm xúc tích cực vừa giảm bớt thời gian tập trung quá nhiều vào những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Sự chăm chút này rất đa dạng, có thể hướng đến tri thức, ngoại hình, hoặc một năng lực, giá trị nào đó mà bạn có. Nó có thể chỉ đơn giản là thay đổi kiểu tóc mà bạn đã để bao lâu nay. Hay đôi khi là một bước chuyển phức tạp hơn trong tư duy như việc bắt đầu liệt kê ra những điểm mạnh của bản thân (có thể bạn sẽ nói ngay “nhưng mình không có điểm nào!”. Hãy bình tĩnh, nhớ rằng chính những tổn thương đang ngăn cản bạn nhìn ra những điểm tích cực của mình). Bắt đầu đầu tư phát triển bản thân đồng nghĩa với việc bắt đầu một chuỗi những thay đổi. Điều đặc biệt quan trọng ở đây là: hãy đảm bảo bạn thực hiện những thay đổi đó cho bản thân mình, chứ không chỉ vì người khác. Như đã nói ở trên, đôi khi một người có tổn thương hình ảnh bản thân chọn cách thay đổi để làm hài lòng những người xung quanh, thay vì cho lợi ích chính đáng của họ. Việc tìm kiếm cảm giác tích cực dựa trên cảm nhận và suy nghĩ của người khác dễ dàng gây ra tình trạng kiệt sức vì chúng ta sẽ không thể biết khi nào là đủ và nên dừng lại. Vậy nên, khi chọn thay đổi bản thân mình, bạn hãy lưu tâm đến mục đích mình làm điều đó. Nó nhất thiết nên là quyết định để giúp bạn cảm thấy tốt hơn với những giá trị của mình chứ không phải vì sự hài lòng của người khác.
  • Đầu tư vào các mối quan hệ: Cảm giác được tôn trọng và lắng nghe bởi một ai đó là liều thuốc giúp tổn thương hình ảnh bản thân được chữa lành tốt và nhanh hơn. Một mối quan hệ mà ở đó bạn thấy an toàn, được hiểu và sẻ chia cảm xúc sẽ giúp bạn dần tìm lại được sự tự tin cho bản thân mình. Vậy nên hãy lựa chọn sáng suốt những người xứng đáng ở lại bên bạn. Đôi khi điều này đòi hỏi cắt bớt những mối quan hệ “độc hại” – cắt bớt những người khiến cho góc nhìn về bản thân của bạn tiêu cực hơn. Nếu không thể cắt hẳn họ khỏi cuộc sống, lựa chọn giảm tương tác với những người đó, dù là ngoài đời thực hay trên mạng xã hội. Song song với đó, đầu tư thời gian và năng lượng cho những người thực sự quan tâm và muốn thấy bạn thành công.Đừng thu mình với tất cả, bởi điều đó có nghĩa bạn đang vô tình đóng kín mình trước cơ hội có được những người yêu thương và trân trọng mình trong cuộc sống. Hãy thử làm một thử thách nhỏ là đi ra và trò chuyện với một ai đó mà bạn không quen biết từ trước, có thể là cô bán hàng tạp hóa nơi bạn hay mua, thay vì chỉ hỏi giá rồi trả tiền, hãy thử cho họ một lời khen hay hỏi họ hôm nay hàng bán thế nào (*). Bạn có thể sẽ bất ngờ với những gì mà một cuộc trò chuyện rất đỗi bình dị đó mang lại. Hãy dũng cảm bước ra và hòa mình vào thế giới bạn nhé! Tổn thương sẽ được chữa lành chính trong quá trình đó. Chúc bạn một ngày bình an.Ngọc Long

—————

Phạm Ngọc Long – Tốt nghiệp chuyên ngành Tham vấn – Trị liệu chương trình Cử nhân Tâm lý học, Trường ĐH KHXH-NV Tp. HCM năm 2018. Hiện đang là CTV/Chuyên viên tâm lí trị liệu thuộc Bộ môn Tâm thần , Đại học Y Dược Tp. HCM. Long đã có 3 năm kinh nghiệm tham vấn, trị liệu, đặc biệt cho các vấn đề về bản sắc cá nhân, tình yêu – hôn nhân và vượt qua mất mát.

————-

(*): Áp dụng theo tình hình cụ thể và LUÔN TUÂN THỦ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Nhà nước và Bộ Y Tế nha mọi người!

————-

  • Carota – Nền tảng tham vấn tâm lý online chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam
Categories: KỂ TỚ NGHE