Khi quan sát từ bên ngoài, những người bạn lo âu xã hội và hướng nội của chúng ta có nhiều biểu hiện giống nhau, nhưng nguyên nhân sâu xa của các biểu hiện đó lại vô cùng khác biệt
[Tình huống 1]
A và B đang ngồi tán gẫu cùng nhau:
A: Thứ 6 này chúng mày có qua nhà X ăn sinh nhật không? Nó mời đến nửa lớp đi ấy.
B: Tao không biết. Thế mày đi không? Kiểu đến đó toàn người lạ. Chả biết ai. Lại còn có mấy đứa không ưa tao nữa. Lại nói này nói nọ. Nếu mày với N đi thì tao đi.
A: Tao đang nghĩ. Tao cũng không thân với nó lắm. Cơ mà đi thì cũng không sao. Quan trọng là tao cũng không ham hố gì mấy buổi tụ tập đông người lắm. Để tao xem có kế hoạch gì khác không. Không thì đi.
—
Gợi ý nhỏ: Lý do không muốn ăn sinh nhật X của A và B có gì khác nhau?
[Tình huống 2]
Vẫn là A và B trong một buổi làm việc nhóm:
Leader: Phân nhau làm bài thuyết trình nhé chúng mày. Chúng mày thích để một người thuyết trình cả bài hay chia nhau ra mỗi đứa nói một phần?
B: Thôi mày nói tốt mày làm luôn đi. Lại còn bày vẽ chia ra làm gì.
Leader: Cơ mà phần mày chuẩn bị mày phải rõ hơn tao chứ!
B: Thôi. Mày nói giỏi. Tao kém khoản ăn nói lắm. Lên lại cà lăm. Tao sợ lắm. Rồi điểm lại không tốt. Mày lại mắng tao.
A: Nếu chúng mày thống nhất chia ra ai nói phần người ấy thì bảo tao sớm nhé. Tao thì cũng không thích lên tiếng lắm nhưng nếu cần thì tao vẫn làm được. Cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn thôi. Chắc tao phải viết sẵn transcript ra không lên đó lại quên.
—
Gợi ý nhỏ: Phản ứng của A và B khi phải lên thuyết trình như thế nào?
[Tình huống 3]
Một hôm nọ, B ngồi xuống và tâm sự với A
B: Tao chán tao quá. Kiểu cả cuối tuần tao chả làm được gì. Tao muốn làm gì đó cho nó khác khác, mà xong tạo lại nằm nhà. Mà nằm nhà tao lại nghĩ tao đúng là tệ. Tao đã có thể đi cái buổi workshop đấy mà chả hiểu sao tao lại nghĩ kiểu đến đó xong lại lạc lõng. Nghe cũng không hấp dẫn lắm. Nên thôi ở nhà.
A: Đã đi đâu mà biết không hấp dẫn?
B: Thì kiểu nhìn chương trình là biết ấy. Xong lại còn toàn đứa giỏi làm workshop. Mày biết con bé X không. Nó kém mình 3 tuổi đấy. Mà nó đã làm host rồi. Tao kiểu đến đó ngại lắm. Cùng ngành với nhau kiểu gì chả có người biết mình. Rồi lại nói nọ kia.
—
Gợi ý nhỏ: Vì sao B không tham dự workshop? Sau đó, B cảm thấy như thế nào?
[Đáp án]
Vậy trong hai người bạn đó, ai là người hướng nội, ai là người có lo âu xã hội? Và sự khác biệt giữa họ là gì?
Carota xin trả lời rằng A là người bạn hướng nội, và B là người bạn có lo âu xã hội.
Để ý kỹ cậu sẽ thấy, A và B phản ứng rất khác nhau khi đối diện với cùng một tình huống. Mặc dù cả A và B đều không thích những buổi tụ họp đông người, nếu được chọn, cả hai sẽ chọn là người ở hậu trường thay vì bước lên ánh đèn sân khấu để thuyết trình; nhưng có một đặc trưng riêng ở B mà ở A không có – nỗi sợ bị người khác bình phẩm hay phán xét. Và đó là điều làm nên sự khác biệt giữa lo âu xã hội và hướng nội.
[Hướng nội]
Hướng nội là đặc điểm nhân cách, có từ khi chúng ta sinh ra. Người hướng nội không cần quá nhiều yếu tố bên ngoài (gặp gỡ, trò chuyện, tham gia hoạt động với người khác…) để làm bản thân phấn chấn. Ngược lại, họ cảm thấy được “sạc pin” khi dành thời gian một mình, dù trong khoảng thời gian đó họ có làm gì hay không. Cậu có thể thấy rõ điều này trong câu trả lời của A ở tình huống 1, người bạn này không mấy hứng thú với những buổi tụ tập đông người. Vì thế, mà A không chắc mình sẽ đi hay không.
Ngoài ra, nhân vật A nói riêng, hay người hướng nội nói chung thường không hứng thú trở thành tâm điểm của sự chú ý. Nhưng nó không phải vì các bạn hướng nội tự ti về khả năng của mình đâu. Họ thường vẫn có những kỹ năng khi ở trong tình huống đó. Cũng như A trong tình huống 2, bạn ấy không thích thuyết trình lắm, nhưng vẫn sẵn sàng làm nếu cần. Bạn ấy cũng ý thức rõ về việc bản thân mình có thể cần thêm thời gian để chuẩn bị cho việc thuyết trình nên đã chủ động đề nghị mọi người phân chia đầu việc sớm. Đó là một ví dụ để thấy người hướng nội ý thức được về khuynh hướng của mình và họ có các cách thức để chủ động thích nghi với các tình huống đòi hỏi tương tác với nhiều người
[Lo âu xã hội]
Khác với A, trong 3 tình huống, B luôn ngần ngại vì sợ người ta “nói này nói nọ”, sợ thuyết trình không tốt và bị trưởng nhóm mắng,… Đây là những đặc trưng của lo âu xã hội. Lo âu xã hội được hình thành trong quá trình sống, và có thể xảy đến với tất cả mọi người, dù là hướng nội hay hướng ngoại. Những người có lo âu xã hội hay lo lắng trước những tình huống cần tương tác xã hội. Họ thường sợ bị người khác châm chọc, phán xét, chỉ trích,… Vì vậy, họ có xu hướng tránh né các tình huống cần tương tác xã hội, đôi lúc sẽ dựa vào quyết định của người khác như B trong tình huống 1.
Với người có lo âu xã hội, thời gian ở một mình có thể làm họ đỡ lo lắng, nhưng trong đầu vẫn luôn xuất hiện những suy nghĩ bất an: “đáng lẽ mình nên nói khác đi”, “đáng lẽ mình nên tham gia sự kiện đó”, “mình thật tệ hại. Có vậy cũng không làm được”, “tại sao mình không thể chỉ can đảm hơn một chút?” … B trong tình huống 3 là một ví dụ điển hình. Vì lo sợ bị người khác đánh giá, B đã không tham gia sự kiện. Vậy nhưng, mặc dù đã ở nhà, B vẫn bị cuốn vào những dòng suy nghĩ trách mắng và đổ lỗi cho bản thân “mình thật là tệ”, “mình đáng lý phải tham gia buổi đó”, “mình chẳng làm được gì”. Vậy là rút cuộc B vẫn không thể tận hưởng khoảng thời gian ở một mình của mình.
Cậu thân mến, nếu cậu thấy hình ảnh của B trong mình, thì cũng đừng lo lắng nhé. Như đã nói trên, lo âu xã hội hình thành trong quá trình sống, và điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cũng có thể “dạy” lại bản thân để vượt qua lo âu xã hội.
Chúng tớ biết rằng, hành trình này không mấy dễ dàng, nhưng chắc chắn sẽ rất xứng đáng. Và hãy nhớ, trên hành trình đó, cậu không một mình, vì Carota sẽ luôn đồng hành với cậu.
Carota hẹn cậu một ngày không xa với bài viết tiếp theo “làm gì để đối diện với lo âu xã hội” cậu nhé!