“Em vừa kết thúc năm học lớp 11 và chuẩn bị vào lớp 12. Hiện tại em rất hoang mang vì không biết mình sẽ chọn thi trường nào. Em không có năng khiếu hay sở trường ở môn học nào đặc biệt nên em không biết phải chọn thế nào. Bạn em nhiều đứa đã có định hướng rõ ràng rồi. Những đứa khác thì sẽ kiểu theo định hướng gia đình. Em có hỏi bố mẹ em xem em nên thi gì thì bố mẹ em lại nói là cứ suy nghĩ thêm, không phải vội. Nhưng em thực sự thấy em đang bị muộn hơn các bạn rất nhiều. Nếu giờ em không quyết định trường thi và chọn khối thi thì sẽ không kịp ôn luyện nữa. Chưa kể vì dịch Covid nên mọi thứ càng chẳng biết thế nào. Em rất sợ nếu mình chọn sai ngành học thì sao? Vì em không có cơ sở nào để chọn ngành bây giờ nên nguy cơ em chọn nhầm ngành là rất cao. Em không muốn bỏ 4 năm học học một ngành mà sau đó em nhận ra là không phù hợp với bản thân. Em cũng rất ghen tị với các bạn em, những bạn luôn chắc chắn về kế hoạch tương lai của mình. Còn em thì chưa bao giờ rõ ràng về định hướng của bản thân cả. Đây là lần đầu tiên em viết thư gửi như thế này vì em thực sự thấy em cần đưa ra quyết định tốt nhất vào lúc này. Em không thể chọn sai được. Em rất sợ bước này đi sai thì em sẽ sai cả con đường tiếp theo. Carota có thể nói giúp em xem em cần làm gì để đưa ra lựa chọn chính xác cho em vào lúc này được không ạ?
—————-
Thân gửi em,
Cảm ơn em thật nhiều vì đã tin tưởng để chia sẻ những suy nghĩ cũng như cảm xúc của bản thân!
Chị là Yến Nhi đến từ Carota, và chị sẽ là người trò chuyện với em ngày hôm nay. Mong rằng những điều chị sắp nói tới đây sẽ giúp em cảm thấy nhẹ nhõm hơn và tìm được hướng đi cho bản thân nhé!
Trước tiên, chị hiểu rằng em đang thực sự cảm thấy mất phương hướng trong thời điểm hiện tại. Những cảm xúc em có như hoang mang vì không biết chọn ngành nào; lo sợ vì có thể sẽ chọn sai hay ghen tị vì các bạn đã có định hướng đều có thể hiểu và thông cảm được: ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy điều tương tự khi đứng trước những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Hẳn nhiên sẽ rất khó để có thể lập tức đúc kết hay đưa ra quyết định về ngành học, bởi em còn chưa tốt nghiệp cấp 3 và chưa có nhiều trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp hay kinh nghiệm xã hội nói chung. Mặt khác, nỗi lo lắng cho tương lai của em khiến chị nhận ra rằng em thực sự có ý thức trong việc tìm hiểu bản thân, cầu tiến và nghiêm túc về con đường mình sẽ chọn. Bố mẹ em có lẽ cũng nhận ra điểm mạnh đó ở em, chị thấy rằng họ đã lựa chọn tin tưởng em và trao cho em cơ hội được tự mình quyết định thay vì cố gắng hướng em theo mong muốn riêng của họ. Chị tin họ chính là điểm tựa lớn cho em và đã chứng tỏ được khả năng đồng hành đáng tin cậy cùng em trong vấn đề này.
Nhưng em à, chị tin rằng em sẽ cần thêm thời gian để tìm ra được đáp án cho riêng mình, về ngành học và cả định hướng tương lai. Suy nghĩ về việc phải lập tức có được đáp án đó, như em thấy, đã vô tình gia tăng thêm áp lực cho em, bên cạnh những áp lực đã sẵn có của giai đoạn chuyển cấp. Điều này khiến em trở nên căng thẳng và dễ dàng đẩy em vào tình cảnh đem bản thân so sánh với bạn bè xung quanh, những người tưởng chừng đã có câu trả lời rất rõ ràng cho bản thân mình. Nhưng đó đâu phải là câu trả lời của em, phải không? Em có suy nghĩ riêng, có cuộc hành trình riêng và em sẽ là người đích thân đi tìm câu trả lời dành riêng cho mình.
Điều quan trọng nhất mà chị muốn nhắn nhủ tới em, đó là hãy cứ tiến bước, lựa chọn và trải nghiệm lựa chọn đó. Đừng sợ chọn sai, bởi thực ra không có lựa chọn nào là luôn đúng. Em sẽ thấy những lựa chọn mà mỗi chúng ta đưa ra vốn dĩ chỉ là những lựa chọn phù hợp nhất tại thời điểm đó. Chúng ta ngày mai sẽ khác với chúng ta ngày hôm nay và vì thế những lựa chọn phù hợp ngày hôm nay có thể sẽ không còn phù hợp trong tương lai. Điều này có nghĩa, em không cần phải đưa ra một lựa chọn “hoàn hảo” bởi lẽ không có lựa chọn nào là hoàn hảo cả. Việc mỗi chúng ta cần làm là chọn một con đường phù hợp cho bản thân mình trong thời điểm hiện tại, đi theo nó và sẵn sàng rẽ lối khi không còn phù hợp.
Hơn bất kỳ điều gì khác, chị tin rằng việc đầu tiên em nên làm chính là gom nhặt đủ dũng khí để bắt đầu. Bắt đầu mở rộng góc nhìn, bắt đầu tìm kiếm trải nghiệm và bắt đầu thử thách mình những điều mới mẻ. Đáng sợ hơn cả việc lựa chọn không đúng chính là việc ta không muốn đưa ra lựa chọn, bởi ta sẽ không có cơ hội nào biết được rốt cuộc lựa chọn khi đó sẽ đưa ta đến đâu. Như chị có thể thấy qua tâm sự của em, em cho rằng mình không có cơ sở hay định hướng nào để đưa ra lựa chọn ngành nghề mà mình muốn theo đuổi vào lúc này. Vậy thì trước hết, hãy bắt đầu từ chính em nhé.
1) Hãy tìm hiểu về con người của em:
● Em nhận thấy đâu là những nét tính cách tiêu biểu của mình? Ví dụ như hướng nội/hướng ngoại, cởi mở/khép kín, nhanh nhẹn/cẩn thận, lý trí/cảm xúc, v.v…, cố gắng liệt kê thật cụ thể và khách quan nhé!
● Những nét đặc trưng tính cách này của em sẽ là lợi thế trong những lĩnh vực nghề nghiệp nào?
● Em yêu thích lĩnh vực nào? Nếu em không thấy có lĩnh vực nào mình yêu thích, vậy hãy thử một số câu hỏi khác đi một chút, chẳng hạn như:
● Đâu là những chủ đề em có thể dành nhiều thời gian để nói chuyện/tìm hiểu về chúng? (đây có thể là các gợi ý cho em để phát triển nên thành các lĩnh vực nghề nghiệp mà em yêu thích)○ Đâu là những lĩnh vực mà em ít “ghét” nhất? (hãy thử bắt đầu tìm hiểu những lĩnh vực mà có vẻ ít không hứng thú với em nhất và xem chúng đưa em đến đâu)
● Những điều gì em có thể thực hiện một cách dễ dàng, không tốn công sức? Hoặc điều gì mà người khác đã nhận xét là em làm tốt?Đôi khi, em có thể tìm được câu trả lời thông qua những lời nhận xét từ mọi người xung quanh, kết quả từ những bài trắc nghiệm tâm lý hoặc đơn giản là góc nhìn của chính em; chị tin rằng việc này sẽ giúp em hiểu hơn về mình, một điều vốn dĩ rất cần thiết trong cuộc sống chứ không chỉ riêng trong việc định hướng nghề nghiệp.
2) Hãy suy nghĩ về công việc tương lai:
● Em mong muốn công việc tương lai sẽ mang lại cho em điều gì?
● Công việc đó sẽ đòi hỏi ở em những kỹ năng gì?
● Tính chất công việc đó có gì hấp dẫn em? (làm việc đội nhóm/độc lập, sự sáng tạo/tiêu chuẩn, công việc toàn thời gian/bán thời gian, cơ hội thăng tiến/vị trí ổn định, mức lương kỳ vọng, chính sách nghỉ phép, v.v…)
Chị biết rằng việc tìm câu trả lời cho những vấn đề trên đây là không đơn giản, đôi khi sẽ mất nhiều công sức và thời gian. Tuy vậy, hãy không ngừng bổ sung thêm đáp án em nhé, càng nhiều và càng chi tiết càng tốt, bởi sự chi tiết đó sẽ giúp em hiểu rõ những điều cần thiết, phù hợp và khả thi với mình; nhờ đó em sẽ bớt hoang mang khi phải đối diện với điều em chưa biết hoặc chưa từng thử qua.
3) Hãy tích lũy thêm kiến thức và trải nghiệm:
● Tìm hiểu thông tin cụ thể về ngành học mà em hướng tới của các trường, những chia sẻ của sinh viên ngành đó trong và sau khi ra trường.
● Tìm đọc những bài viết chia sẻ và đánh giá về nghề nghiệp của những người trong ngành mà em muốn tìm hiểu.
● Tham dự hội thảo hướng nghiệp và trực tiếp đặt câu hỏi cho chuyên gia, hoặc trải nghiệm trại hè hướng nghiệp hay tham gia câu lạc bộ về ngành dự định theo đuổi.
● Chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập trong ngành ngay khi có định hướng.
Quá trình em tìm kiếm bản thân và định hướng cho tương lai sẽ chẳng bao giờ tránh được những khó khăn và vướng mắc. Nhưng em ơi, đừng vội nản chí và cũng đừng quá nóng ruột! Cùng với thời gian và những công đoạn tuần tự, em sẽ dần tìm ra được lối đi cho chính mình. Hãy đặt những mục tiêu nhỏ và ngắn hạn, rồi lần lượt hoàn thành chúng. Lên kế hoạch tìm hiểu, dành thời gian khám phá, suy ngẫm sau mỗi trải nghiệm và rồi lại chuẩn bị năng lượng cho những kế hoạch mới, em sẽ nhận thấy bản thân mình tiến tới gần mục tiêu lúc nào không hay. Với sự nghiêm túc và cầu tiến trong suy nghĩ em vốn có, chị biết chắc rằng em sẽ làm được và làm rất tốt nữa là khác.
Sẽ có những lúc em tưởng như mình đang đi sai đường. Nhưng em biết không, không có trải nghiệm nào là không đáng giá. Chính những trải nghiệm đó sẽ cho em cơ hội để hiểu hơn về chính mình và con đường đi tương lai. Việc đưa ra một lựa chọn mà trong tương lai có thể thay đổi, vì thế, không có nghĩa đó đã là một lựa chọn sai. Và ngay cả trong trường hợp em thấy mình đã có những bước đi chệch hướng đi chăng nữa, em luôn có khả năng và cơ hội để điều chỉnh con đường đi của mình. Chị tin rằng chúng ta luôn luôn có cơ hội nếu chúng ta chọn đứng dậy khi vấp ngã, học hỏi và tiếp tục tiến bước sau đó.Chúc em sẽ tiến thật xa trên con đường tương lai của mình, em nhé!
Thân mến,
Yến Nhi – Người lắng nghe của Carota