Bố em làm trong quân đội và rất muốn con gái thi đỗ vào trường quân đội để đảm bảo một công việc ổn định trong tương lai. Nhưng chỉ tiêu của trường quân đội cao ngất ngưỡng, ít nhất cũng từ 27 điểm trở lên. Em sợ thi đại học, vì em đã thi ba lần. Hai lần trước dù cộng cả điểm vùng em cũng chỉ đạt tầm 23 điểm. Dù vậy, em vẫn “chiều bố mẹ” thi thêm lần thứ ba, và lần này điểm em tệ nhất, vì em không còn quyết tâm nữa.

Em không dám nói với ai cả, ngày nào em cũng trốn trong nhà, lúc nào cũng thót tim vì bị người ta hỏi “Có làm bài được không?”. Em sợ bố mẹ buồn, sợ bố mất mặt với hàng xóm, sợ bị chê cười, em không biết phải nói với gia đình như thế nào. Em cũng không biết có nên đi học một ngành khác hay không vì em nuối tiếc ba năm vừa rồi, hay em nên ở nhà lấy chồng làm gì đó cho qua ngày?”

———
[Hồi đáp từ CAROTA]
Tôi có thể thấy rằng bạn đang hoang mang và lo lắng về lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình. Tôi hy vọng những chia sẻ dưới đây có thể đưa cho bạn những góc nhìn khác, giúp bạn tìm hiểu những điều mà bạn thực sự mong muốn để từ đó bạn có thể tìm ra con đường đi cho mình.

Kỳ vọng của bố mẹ thật sự là một gánh nặng to lớn cho bạn. Qua những chia sẻ của bạn, tôi thấy được sự cố gắng và kiên trì mà bạn bỏ ra trong nỗ lực đuổi theo kỳ vọng đó. Nhưng dường như bạn chưa từng thực sự chắc chắn đó cũng là điều bạn muốn. Và bây giờ, hơn bao giờ hết, bạn nhận ra đó không phải con đường đi cho mình. Vậy có lẽ đây chính là thời điểm thích hợp nhất để bạn làm bước chuyển từ việc đuổi theo mong ước của người khác sang tập trung vào mong muốn của bản thân mình.

Tôi muốn nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp nhất bởi tôi có thể thấy bạn đang ân hận rất nhiều vì quãng thời gian ba năm bị bỏ phí. Hẳn bạn cũng có suy nghĩ rằng “đáng lẽ mình phải nhận ra sớm hơn và không lãng phí ngần ấy thời gian”. Nhưng bạn ạ, thay đổi chỉ xảy ra khi nó đạt đến ngưỡng nhất định. Nếu không có ba năm qua, hẳn bạn chưa ở vị trí hôm nay để thấy rằng mình cần làm bước chuyển này.

Tôi cũng có thể hiểu cảm giác xấu hổ và sợ hãi khi bạn nghĩ đến chuyện phải đối diện với sự gièm pha của người ngoài hay nỗi thất vọng của bố mẹ. Điều đó hẳn là không dễ dàng. Và cũng là điều bạn đã lường trước. Nhưng có một điều tôi muốn bạn biết – đó không phải là lỗi của bạn. Việc bố mẹ thất vọng không phải xuất phát từ việc bạn kém cỏi mà thi trượt. Bố mẹ thất vọng vì chính những kỳ vọng họ đặt lên bạn. Người ngoài gièm pha cũng không phải do lỗi của bạn. Họ gièm pha vì chắc hẳn cuộc sống của họ chưa đủ thú vị ngay cả với chính bản thân họ đến mức cần những câu chuyện phiếm để giải khuây. Điều tôi muốn nói ở đây đó là cho dù thế nào, bạn cũng không phải là nguyên nhân cho sự thất vọng, đau khổ hay cay nghiệt của người khác.

Bạn cũng chia sẻ rằng bạn không biết phải nói với bố mẹ thế nào. Tôi hiểu rằng đó không chỉ là việc thông báo về kết quả thi mà còn về định hướng tương lai của bạn. Hiện giờ dường như bạn có suy nghĩ rằng bạn và bố mẹ không thể tìm được tiếng nói chung bởi bố mẹ thì chỉ muốn bạn vào quân đội còn bạn thì thấy điều đó là bất khả. Nếu chỉ dừng ở mức độ học quân đội hay không học quân đội thì chắc hẳn cả hai phía đều sẽ thấy bị mắc kẹt. Vậy gợi ý tôi đưa ra cho bạn và bố mẹ đó là thay vì đặt câu hỏi “học quân đội hay không học quân đội”, hãy thử đặt câu hỏi “việc theo sự nghiệp quân đội sẽ đem lại cho bạn những giá trị gì?” Khi hiểu rõ được những giá trị thật sự đằng sau việc bố mẹ muốn bạn thi đậu vào trường quân đội, có lẽ bạn sẽ thấy có những giá trị chung mà cả bạn và bố mẹ đều mong muốn cho con đường sự nghiệp của bạn. Điều đó sẽ tạo ra một không gian để cả hai bên trò chuyện với nhau dễ dàng hơn. Có thể sau đó, bố mẹ và bạn sẽ nhận ra có những ngành nghề khác vừa phù hợp với năng lực của bạn, vừa có thể đem lại những giá trị đó mà không nhất thiết phải là trường quân đội. Mong mỏi của bố mẹ là một yếu tố tác động đến lựa chọn nghề nghiệp của bạn, và tôi tin ngược lại, mục đích sống của bạn cũng là điều có ý nghĩa không kém trong việc bố mẹ ủng hộ quyết định bạn đưa ra.

Có thể khi đọc đến đây bạn sẽ muốn nói với tôi “nhưng em còn chưa biết giá trị em theo đuổi là gì!” Vậy thì hãy cùng tôi ngồi xuống và trả lời những câu hỏi dưới dây. Chúng sẽ là kim chỉ nam giúp bạn dần dần hình dung con đường phù hợp với bản thân:

1) Những điều gì trong cuộc sống khiến bạn hứng thú? (chẳng hạn nếu bạn thích việc trò chuyện với mọi người, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn phù hợp với những vị trí đòi hỏi giao tiếp)

2) Những điều bạn trân trọng nhất trong cuộc sống này là gì? (nếu bạn coi trọng những giá trị như mối quan hệ với mọi người, có thể những ngành nghề làm việc trực tiếp với con người sẽ phù hợp với bạn. Nếu bạn coi trọng việc độc lập về tài chính, bạn sẽ muốn tập trung vào nhóm nghề cho thu nhập tốt,…)

3) Những năng lực và phẩm chất cá nhân của bạn là gì? (bạn là người có thể chịu được áp lực cao hay là người làm việc tốt hơn trong một môi trường không cạnh tranh quá gay gắt? Bạn là người tỉ mỉ hay là người có tầm nhìn bao quát? Nếu có cả hai phẩm chất này, phẩm chất nào trội hơn ở bạn?…)

4) Người mà bạn ngưỡng mộ là ai? Điều gì ở họ mà bạn mong muốn có ở bản thân mình?

5) Bạn mong muốn kiến tạo nên điều gì cho cuộc sống này? (nếu bạn muốn tạo nên sức ảnh hưởng đến nhiều người, có thể những ngành nghề về truyền thông hay marketing sẽ đem lại cho bạn nhiều cơ hội. Nếu bạn muốn trở thành người giúp đỡ, những ngành dịch vụ y tế, xã hội hay chăm sóc khách hàng có thể là điều bạn muốn thử)

Tôi cũng muốn nói thêm ở đây rằng tìm ra con đường của bản thân không phải là một chuyện dễ dàng. Có những người sớm tìm thấy được đam mê từ thuở bé. Nhưng không phải ai cũng như vậy. Phần lớn mọi người cần nhiều thời gian hơn để trải nghiệm, đi thử trên những con đường khác nhau để cuối cùng tìm ra được (những) con đường phù hợp nhất. Vì sao tôi thêm chữ “những” ở đây? Đó là vì đôi khi nhiều con đường nghề nghiệp khác nhau đều có thể giúp bạn kiến tạo những giá trị bạn mong muốn cho bản thân và xã hội. Vậy nên hãy giữ các cơ hội rộng mở bạn nhé. Chắc chắn khi bạn đã xác định được giá trị bạn muốn theo đuổi, con đường nào bạn đi cũng sẽ dẫn tới đích.

Ở đây chúng ta cùng quay lại một chút với nỗi lo của bạn rằng không biết mình “có nên đi học một ngành khác hay không vì nuối tiếc ba năm vừa rồi”. Tôi biết không ít người chuyển nghề nhiều lần. Đôi khi là quyết định rời bỏ công việc mình đã làm trong hàng chục năm để tìm đến một ngành nghề mà mình cảm thấy phù hợp và hứng thú hơn. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu phải không bạn? Bạn có thể cảm thấy tiếc nuối cho công sức mình bỏ ra trong ba năm qua để theo đuổi thứ bạn không thật sự yêu thích. Nhưng liệu nó có thật sự là sự lãng phí? Ba năm qua cho bạn thời gian để bạn tìm hiểu về chính mình và thử thách giới hạn của bản thân. Đó đều là những trải nghiệm quý báu và cần thiết trên con đường trưởng thành. Như tôi có nói ở trên một sự thay đổi chỉ diễn ra khi nó đạt đến ngưỡng. Nếu không có ba năm vừa qua, có thể bạn sẽ không đạt được ngưỡng thay đổi để quyết định bước chuyển tiếp hiện tại. Hoặc cứ cho rằng ba năm vừa qua là lãng phí, vậy bạn sẽ còn hối tiếc thế nào nếu bây giờ vì sự tiếc nuối mà bạn bỏ qua và không theo đuổi điều mình muốn? Rất có khả năng ba năm sau, bạn nhìn lại và sẽ thấy sự hối tiếc đó không còn là ba năm mà là sáu năm. Bạn thấy không sự nuối tiếc cho ba năm qua vẫn ở đó, nhưng nó không nên là điều ngăn cản, mà là động lực thúc đẩy để bạn không ngừng tiến lên phía trước.

Cuối cùng, tôi mong bạn hiểu rằng, dù bao nhiêu lời khuyên, bao nhiêu góp ý, nhưng người quyết định vẫn là bạn. “Cứ đi để lối thành đường” – Đó là tên một quyển sách tôi ưa thích, và cũng là một lời nhắn tôi muốn gửi đến bạn.

Chúc bạn đưa ra được quyết định cho bản thân.

An – Người lắng nghe của Carota
—————-
Đôi nét về An:

Lương Nguyễn Thúy An tốt nghiệp khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM năm 2018.

“Với An, mỗi người đều có một câu chuyện riêng đáng được chia sẻ. Mình yêu thích việc lắng nghe những câu chuyện của bạn và cùng bạn tìm hiểu về con người đằng sau mỗi câu chuyện ấy. Đó là cách mà mình hình dung về vai trò của tham vấn viên – một người đồng hành cùng bạn trên con đường khám phá và chấp nhận bản thân.” Ẩn bớt

Categories: KỂ TỚ NGHE