Sống sót sau một biến cố sang chấn – như bị tấn công tình dục hay thảm họa tự nhiên – chỉ là sự khởi đầu. Chấn thương tâm lý có thể đeo bám chúng ta ngay cả khi mối nguy hiểm đã qua. Những cơn ác mộng, những mảnh kí ức xâm chiếm tâm trí, sự sợ hãi thường trực dù không có lý do. Đó là những gì mà sang chấn để lại.

Nhưng không chỉ có vậy.

Theo bác sĩ Nadine Burke Harris, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Thanh thiếu niên, Hoa Kì, cho dù sự kiện gây chấn thương đã qua đi, cơ thể chúng ta vẫn tiếp tục sản sinh lượng hóc-môn căng thẳng cao hơn bình thường.

Hóc-môn căng thẳng này có thể tác động xấu tới rất nhiều hệ thống chức năng trong cơ thể. Chúng làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến chúng ta dễ ốm hơn. Với hệ tiêu hóa, chúng gây ra các rối nhiễu, gây buồn nôn, khó tiêu, hay đau bụng. Đau đầu, nhức mỏi cơ thể không rõ nguyên nhân cũng thường được quan sát thấy ở người trải qua sự kiện sang chấn.

“Nó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang nội hóa căng thẳng. Nói cách khác, căng thẳng đang “ngấm” vào trong cơ thể, khiến bạn thực sự bị bệnh,” bác sĩ Harris cho biết.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe toàn diện ở những người có tiền sử sang chấn. Bác sĩ gợi ý sáu yếu tố cần được ưu tiên bao gồm:

  • Đảm bảo giấc ngủ lành mạnh và chất lượng
  • Vận động điều độ
  • Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý
  • Thực hành chánh niệm (mindfulness, thiền tập)
  • Chú ý đến tâm trạng và cảm xúc
  • Duy trì tương tác xã hội

Bằng việc chăm sóc cho sáu yếu tố này, chúng ta có thể ứng phó tốt hơn với những sự kiện sang chấn trong quá khứ.

“Thực hành chánh niệm một hoặc hai lần mỗi ngày có thể giúp bạn điều hòa hệ thần kinh tốt hơn. Điều này giúp bạn nhận biết khi nào phản ứng căng thẳng của mình đang hoạt động quá mức,” bác sĩ chia sẻ.

Vận động đều đặn và tham gia thể thao cũng được khuyến khích. “Nếu bạn thích thể thao, hãy tham gia luyện tập thường xuyên. Tất cả những điều đó đều mang tính chữa lành.”

Đặc biệt, các mối quan hệ lành mạnh đóng vai trò then chốt trong quá trình hồi phục sau sang chấn. Điều đó đã được khoa học chứng minh. Nếu người thân của bạn đang phải trải qua những hậu quả của biến cố gây sang chấn, sự quan tâm chân thành và đồng hành cùng họ là điều đặc biệt quan trọng.

Theo bác sĩ Harris, một mối quan hệ tin tưởng và hỗ trợ – cho dù với ai – cũng là nguồn động viên vô cùng quý giá.

Người đó có thể là người thân trong gia đình, là giáo viên, hay huấn luyện viên ở câu lạc bộ. Những mối quan hệ này thường là cánh cửa dẫn đến sự trợ giúp chuyên nghiệp. Tuy vậy, bác sĩ cũng lưu ý rằng những kì thị và sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tinh thần có thể khiến chúng ta khó tìm thấy được những trợ giúp như vậy.

“Chúng ta cần tạo ra một không gian an toàn để mọi người có thể nói về những vấn đề này,” bác sĩ nhấn mạnh.

“Chúng ta phải bình thường hóa việc nói về sang chấn, về nghịch cảnh, về những gì chúng ta đang trải qua và khuyến khích việc tìm kiếm sự giúp đỡ. […] Trong một thời gian dài, rất nhiều ảnh hưởng của sang chấn đến sức khỏe, sự phát triển và cuộc sống đã không được công nhận,” bác sĩ chia sẻ. “Chúng ta không nói về nó. Điều khiến tôi cảm thấy thực sự phấn khởi và hy vọng là: tôi tin rằng thế hệ này sẽ phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy.”

Lược dịch từ bài viết “How trauma impacts your body” trên trang Teen Vogue, ngày 12 tháng 02 năm 2019. Linh bài gốc: https://www.teenvogue.com/story/how-trauma-impacts-your-body#:~:text=%E2%80%9CSometimes%20%5Bteens%20will%5D%20have,getting%20%5Byou%5D%20sick.%E2%80%9D