Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, phiên bản thứ 5 (DSM-5), rối loạn nhân cách (personality disorders) được định nghĩa là các lối suy nghĩ, hành vi và cảm xúc mang tính lâu dài, cứng nhắc, lệch lạc so với chuẩn mực cộng đồng mà cá nhân đó thuộc về.

Những đặc điểm này thường bắt đầu xuất hiện từ cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, kéo dài theo thời gian và gây ra suy giảm đáng kể trong hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác của cuộc sống.

DSM-V cũng phân chia các rối loạn nhân cách thành 10 dạng, thuộc vào 3 nhóm:

1. Nhóm A: Kỳ quặc và lập dị

Các rối loạn trong nhóm này có đặc điểm chung là suy nghĩ và hành vi kỳ lạ, lập dị. Thường liên quan đến việc tách biệt khỏi xã hội hoặc có những niềm tin bất thường.

  • Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder): Thiếu niềm tin và nghi ngờ người khác một cách dai dẳng và vô căn cứ. Họ tin rằng người khác luôn có ý định làm hại hoặc lừa dối mình.
  • Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid Personality Disorder): Thể hiện sự cô lập cực độ và thiếu quan tâm đến các mối quan hệ. Người mắc thường sống cô lập, không biểu lộ cảm xúc và không tìm kiếm sự đồng hành.
  • Rối loạn nhân cách dạng phân liệt (Schizotypal Personality Disorder): Có tư duy kỳ quái, niềm tin hoang đường và hành vi lập dị. Họ thường không cảm thấy thoải mái trong các mối quan hệ gần gũi và có xu hướng thu mình.

2. Nhóm B: Cảm xúc kịch tính và thất thường

Nhóm này bao gồm các rối loạn đặc trưng bởi sự bất ổn cảm xúc, hành vi bốc đồng, và khó kiểm soát trong các mối quan hệ.

  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder): Xem thường luật lệ và quyền lợi của người khác, có hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối, gây tổn hại mà không cảm thấy hối lỗi.
  • Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder): Gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, lo sợ bị bỏ rơi, có hành vi tự hại hoặc bốc đồng, và mối quan hệ cá nhân thường không ổn định.
  • Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic Personality Disorder): Cần được chú ý liên tục, thường thể hiện cảm xúc phóng đại và có hành vi thu hút sự chú ý quá mức.
  • Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder): Có cảm giác tự đại, khao khát được ngưỡng mộ và thiếu khả năng đồng cảm. Có thể thao túng người khác để đạt được lợi ích cá nhân.

3. Nhóm C: Lo âu và sợ hãi

Các rối loạn trong nhóm này biểu hiện sự lo âu kéo dài, thiếu tự tin và mong muốn được kiểm soát hoặc bảo vệ.

  • Rối loạn nhân cách tránh né (Avoidant Personality Disorder): Rụt rè, nhạy cảm với phê bình, mặc cảm bản thân và né tránh các mối quan hệ xã hội hoặc nghề nghiệp vì sợ bị từ chối.
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent Personality Disorder): Có nhu cầu được chăm sóc quá mức, sợ bị bỏ rơi, phụ thuộc vào người khác trong việc ra quyết định và thường tránh trách nhiệm cá nhân.
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Personality Disorder – OCPD): Quá tập trung vào quy tắc, sự hoàn hảo và kiểm soát. Thường cứng nhắc, làm việc quá mức và ít quan tâm đến thư giãn hay giao tiếp xã hội. (Lưu ý: rối loạn này khác với Rối loạn ám ảnh cưỡng chế – OCD)

Để hiểu hơn thế nào là rối loạn nhân cách, bạn có thể đọc phần 1 của bài viết.

Đọc thêm:

Rối loạn nhân cách ái kỉ (narcissistic personality disorder)

OCD và OCPD: Khác biệt giữa rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế 

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial personality disorder)

Rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder)

Tham khảo: 

Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition (DSM-5-TR). American Psychiatric Association. (2022)

Psychology Today, Personality disorders, https://www.psychologytoday.com/us/basics/personality-disorders

American Psychiatric Association, What are personality disorders?, https://www.psychiatry.org/patients-families/personality-disorders/what-are-personality-disorders

Cleveland Clinic, Personality disorders, https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9636-personality-disorders-overview