Phát hiện con có hành vi tự hại, cha mẹ không khỏi sốc, đau lòng, và lo lắng. Cha mẹ biết con cần được giúp đỡ nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Lời khuyên là cha mẹ hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ. Việc này sẽ cho cha mẹ cơ hội chia sẻ, vơi bớt nỗi lòng. Đồng thời, các chuyên gia sẽ giúp định hướng và tìm ra giải pháp.

Dưới đây là một số kiến thức giúp cha mẹ hiểu hơn về hành vi tự làm hại bản thân. Cùng với đó là một số gợi ý để cha mẹ hỗ trợ con.

Ước tính có khoảng 14% thanh thiếu niên thực hiện hành vi tự hại

Hành vi tự hại là gì?

Tự hại bao gồm các hành vi tự gây thương tích và tự hành hạ bản thân. Người thực hiện hành vi tự hại thường không có ý định tự sát.

Nếu con tôi có hành vi tự hại thì con có đang nghĩ đến việc tự sát không ?

Như trên đã nói, hành vi tự làm hại bản thân thường không đi kèm ý định tự sát. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy khi hành vi tự hại diễn ra trong thời gian dài, nguy cơ xuất hiện ý định và hành vi tự sát ở trẻ cao hơn. Vì vậy người chăm sóc trẻ nên hành động ngay lập tức khi thấy con mình đang tự làm hại bản thân.

Có những hiểu lầm nào về hành vi tự hại mà tôi nên biết?

Dưới đây là những hiểu lầm thường gặp mà cha mẹ nên tránh:

  • Cắt, cứa lên cơ thể là hành vi tự hại duy nhất mà chúng ta cần phải lo lắng.
  • Tự làm hại bản thân thường là do có ý định tự sát.
  • Hành vi tự hại chỉ là để gây sự chú ý.
  • Chỉ có trẻ em gái mới có hành vi tự gây thương tích cho bản thân.
  • Trò chuyện với con về hành vi tự hại có thể khuyến khích con thực hiện nhiều hơn.
  • Hành vi này rồi sẽ tự hết nên không cần trị liệu.

Cắt, cứa lên bản thân: các dấu hiệu cần chú ý

Dạng phổ biến nhất của hành vi tự hại là cắt, cứa. Bạn có thể thấy những vết cắt hoặc vết sẹo trên cơ thể con bạn. Chẳng hạn ở cổ tay, bụng, chân, hoặc các vùng cơ thể khác.  Có thể quan sát thấy những vết cắt sâu hoặc nhiều vết cắt nhỏ tại cùng vị trí. Tuy nhiên, cần nhớ là trẻ thường che giấu vết thương của mình. Trẻ có thể đeo nhiều đồ trang sức hoặc mặc áo dài tay (cả khi thời tiết nóng).

Có các dấu hiệu khác, dù không liên quan trực tiếp đến hành vi tự làm đau bản thân, nhưng cần chú ý. Thường là các triệu chứng trầm cảm. Chẳng hạn như cảm giác vô vọng, chán ghét bản thân, rối loạn giấc ngủ. Lý do là vì trẻ có trầm cảm thường có nguy cơ thực hiện hành vi tự hại cao hơn.

Các hình thức tự làm hại bản thân khác

Một số hình thức tự gây thương tích khác hay gặp là:

  • Đập đầu, tự đấm bản thân
  • Tự làm bỏng
  • Bứt tóc
  • Cào, cấu đến mức chảy máu
  • Uống chất có hại hoặc chất tẩy rửa

Trong một số trường hợp, trẻ có thể chỉ tự làm hại bản thân một lần duy nhất. Những trường hợp khác, trẻ có thể làm nhiều lần với nhiều cách khác nhau.

Điều gì khiến trẻ tự làm tổn thương bản thân?

Không có một nguyên nhân duy nhất giải thích hành vi này. Tuy nhiên, hành vi tự làm hại bản thân thường xảy ra như cách để ứng phó với cảm xúc tiêu cực. Một số trẻ chia sẻ con cảm thấy cô đơn, vô dụng, hoặc trống rỗng. Vì thế, con thực hiện hành vi tự hại để cảm thấy tốt hơn, dù chỉ trong chốc lát. Một số khác làm hại bản thân khi bị hiểu nhầm hoặc sợ hãi ai đó. Một số trẻ khác lại làm vậy khi bị áp lực quá lớn với việc học và trách nhiệm gia đình. Hoặc, trẻ muốn trừng phạt bản thân vì tin rằng mình đã làm điều xấu xa trong quá khứ. 

Tự làm hại bản thân cũng có thể là một cách giúp trẻ lấy lại kiểm soát. Giữa muôn vàn thứ khiến trẻ quá tải và mất kiểm soát, trẻ dùng việc tự hại như cách để cảm thấy kiểm soát với cơ thể mình.

Tại sao một hành vi gây đau đớn thể xác lại có thể giảm bớt nỗi đau tinh thần?

Khi cơ thể bị thương, não bộ sẽ giải phóng một số hóc-môn giúp ứng phó với nỗi đau. Endorphin và các chất giảm đau tự nhiên khác được giải phóng lập tức. Chúng giúp xoa dịu và khiến trẻ tạm quên đi những khó khăn trong cuộc sống.

Có hành vi tự làm hại bản thân nào đặc trưng cho một giới tính không?

Trẻ em gái thường chọn hình thức cắt, cứa trong khi trẻ em trai thường tự đánh mình nhiều hơn. Tuy nhiên, các hành vi làm đau bản thân xuất hiện ở cả trẻ em trai và gái. Trẻ chưa xác định giới tính hay chuyển giới cũng không ngoại lệ.

Trẻ có hành vi tự hại thì có nguy cơ tự sát cao hơn không?

Hầu hết hành vi tự làm tổn thương bản thân xuất phát từ nhu cầu nhất thời để trốn tránh hiện tại. Nhu cầu này khác với mong muốn tự sát. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy thanh thiếu niên có hành vi tự hại đối mặt với nguy cơ tự sát và tự sát thành công cao hơn.

Làm thế nào để phân biệt giữa hành vi tự hại và thử tự sát?

Nếu bạn đang nghi ngờ con bạn tự làm hại bản thân, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Bạn hãy liên lạc với bác sĩ, chuyên viên tâm lý hoặc phòng cấp cứu gần nhất. Các chuyên gia tâm lý có thể tiếp nhận thông tin và đưa ra những hướng dẫn để giữ cho con bạn an toàn và khỏe mạnh.

Độ tuổi nào có nguy cơ thực hiện hành vi tự hại cao nhất?

Hành vi tự làm tổn thương bản thân phổ biến nhất ở thanh thiếu niên. May mắn là hành vi tự hại đa phần đều dừng lại khi con qua tuổi thiếu niên. Dù vậy, không nên chủ quan. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia nếu bạn nghi ngờ con có hành vi này.

Hành vi tự hại có báo hiệu các vấn đề sức khỏe tâm thần khác?

Trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ tự hại cao hơn nếu có các vấn đề sau:

  • Trầm cảm, lo âu
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý,
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
  • Rối loạn ăn uống
  • Sử dụng chất gây nghiện

Việc phát hiện sớm và điều trị vấn đề sức khỏe tâm thần là điều quan trọng. Đồng thời giảm nguy cơ thực hiện hành vi tự hại ở con.

Tôi có thể giúp con tôi bằng cách nào?

Thanh thiếu niên cần sự quan tâm của gia đình để vượt qua hành vi tự hại

1. Hãy trò chuyện cùng con

Đừng ngần ngại hỏi con xem con có đang thực hiện hành vi này không. Hoặc liệu con có biết ai đó có hành vi tự hại hay không. Duy trì thái độ cởi mở, không phán xét. Lắng nghe con nhiều hơn. Bạn có thể nói với con chủ đề này không dễ để trò chuyện. Bản thân bạn cũng cảm thấy khó khăn. Nhưng nhấn mạnh rằng cha mẹ yêu và quan tâm con. Ví dụ như: “thật sự khó khăn cho bố mẹ để nghĩ về việc này. Nhưng bố mẹ yêu con và muốn con được mạnh khỏe và an toàn”.

2. Chuẩn bị đối diện với những cảm xúc mãnh liệt có thể được khơi gợi

Con của bạn có thể sẽ giận dữ và từ chối nói chuyện. Chọn thời điểm con bình tĩnh hơn, chia sẻ với con bạn lo lắng cho con. Và đó là lý do bạn muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Khuyến khích con đi tham vấn tâm lý. Nếu con chưa sẵn sàng, bạn vẫn nên gặp tham vấn viên để được hướng dẫn hỗ trợ con tốt hơn.

3. Tạo môi trường an toàn

Nếu con bạn đang thực hiện hành vi tự hại, bạn có thể cần kiểm soát khả năng con tiếp cận những vật nguy hiểm. Bạn có thể phải để các vật dụng như dao, dao cạo, kéo, thuốc, hóa chất trong tủ khóa. Loại bỏ các vật dụng không dùng đến nhưng có thể nguy hiểm. Nhìn một cách thực tế, bạn không thể loại bỏ tất cả các yếu tố này cùng một lúc. Điều bạn cần làm là, nếu con chia sẻ với bạn ý định tự hại, hỏi con con định làm bằng cách nào. Sau đó, cùng con thảo luận để hạn chế con tiếp cận được những vật dụng con đã nghĩ đến.

Nếu con có ý định tự sát, bắt buộc phải kiểm soát nghiêm ngặt khả năng tiếp cận các vật dụng có thể giúp con thực hiện ý định. Chẳng hạn như thuốc, vật sắc nhọn, ban công. Tìm trợ giúp càng sớm càng tốt từ bác sĩ, bệnh viện, chuyên gia tâm lý. Luôn canh chừng con cho đến khi nguy cơ được kiểm soát. […]

4. Thay đổi cách bạn suy nghĩ về mạng xã hội

Mặc dù các trang mạng xã hội có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi tự làm hại. Nhưng việc lên mạng quá nhiều có thể khuếch đại các vấn đề như sự ghen tị, cô lập, hay lo lắng. Những vấn đề này có thể thôi thúc các cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến hành vi làm đau bản thân. Chính vì vậy cần thiết lập lịch trình sinh hoạt gia đình lành mạnh.

Thói quen sử dụng mạng xã hội của bạn cũng rất quan trọng. Một số nghiên cứu cho thấy cha mẹ của nhóm thiếu niên bị trầm cảm thường dùng điện thoại tới 08 giờ mỗi ngày. Điều này không có nghĩa vấn đề của con đều do cha mẹ. Nhưng việc dùng điện thoại quá nhiều làm mất đi cơ hội trò chuyện cùng con. Điều này làm suy giảm kết nối cha mẹ – con cái và gia tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu ở trẻ.

5. Ưu tiên sức khỏe tinh thần của gia đình và sự kết nối giữa các thành viên

Nếu gia đình bạn thường xuyên căng thẳng, hãy suy nghĩ đến việc hành động để thay đổi. Con bạn cần những khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn tâm trí. Con cũng cần được nhắc nhở rằng chăm sóc bản thân là ưu tiên, quan trọng hơn việc học hay các hoạt động tập thể khác. […]

6. Chia sẻ những gì mà bạn biết

Sức khỏe của con bạn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ gia đình, giáo viên, và nhiều người khác. Vì vậy, cả cha mẹ và con cần học cách tận dụng tối đa các hỗ trợ khác. Chia sẻ đến những người trong vòng tròn hỗ trợ của con những thông tin cần thiết mà con cho phép bạn nói. Làm rõ con cần được hỗ trợ như thế nào. Nếu bạn đang không biết làm thế nào để chia sẻ về nguy cơ tự hại của con bạn mà vẫn tôn trọng quyền riêng tư của con tốt nhất có thể, hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn. Bạn cũng có thể chia sẻ bài viết này tới những người bạn biết.

Nhớ rằng! Tự làm hại bản thân không có nghĩa là con bạn muốn tự sát. Nó cũng không có nghĩa bạn là ông bố hay bà mẹ tệ. Cũng như bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, bạn có thể giúp con vượt qua. Giữ thái độ lạc quan, tuân thủ trị liệu, cho con thấy bạn yêu và luôn sẵn sàng bên con.


Lược dịch từ bài viết When Children and Teens Self-Harm, viết bởi Alia McKean, DO, MPH & Maria H. Rahmandar, MD, FAAP, cập nhật ngày 10.05.2023. Link bài gốc: https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/emotional-problems/Pages/when-children-and-teens-self-harm.aspx