Tâm lý học hành vi là một hướng tiếp cận trị liệu tâm lý dựa trên việc thay đổi các hành vi đang gây ra hệ quả tiêu cực lên chất lượng sống của một người. Các nhà trị liệu theo trường phái này tập trung giúp thân chủ hình thành những thói quen tích cực hơn. Vậy, mất bao lâu để một thói quen tốt có thể hình thành trong mỗi chúng ta? Cùng khám phá nhé!
Giai thoại về khoảng thời gian 21 ngày hình thành thói quen tốt
Vào những năm 1950, bác sĩ Maxwell Maltz phát hiện ra rằng hầu hết các bệnh nhân của ông cần 21 ngày để quen với những thay đổi trên cơ thể sau phẫu thuật. Ví dụ, sau khi sửa mũi 21 ngày, một bệnh nhân mới có thể quen hình ảnh gương mặt mới. Hay, một bệnh nhân bị cắt cụt chân phải mất ba tuần để cảm nhận phần chi ảo.
Những tình huống trên lặp đi lặp lại nhiều lần. Từ đó, ông kết luận “Những hiện tượng này cho thấy rằng cần tối thiểu 21 ngày để một hình ảnh cũ trong tâm trí tan biến và một hình ảnh mới hình thành.” Sau đó, ông xuất bản một quyển sách với chủ đề tương tự và bán được hơn 30 triệu bản.
Giai thoại 21 ngày bắt đầu từ đây. Nhiều người trở nên tin và làm theo. Nó dần trở thành chân lý. Đây cũng là điều dễ hiểu. Khung thời gian này đủ ngắn để dễ duy trì. Nó cũng đủ dài làm người ta khó phản bác. Ai lại không thích việc thay đổi cuộc sống chỉ trong ba tuần?
Vấn đề là con số 21 ngày có đáng tin cậy không? Vì nó chỉ dựa trên quan sát của một cá nhân với số mẫu không lớn.
Vậy, phải mất bao lâu để xây dựng một thói quen tốt?
Nghiên cứu của Phillippa Lally – nhà nghiên cứu tâm lý sức khỏe tại Đại học College London đã tìm hiểu xem thực sự mất bao lâu để hình thành một thói quen.
Nghiên cứu đã kiểm tra thói quen của 96 người trong 12 tuần. Người tham gia chọn một thói quen mới. Sau đó, họ làm chúng trong 12 tuần. Mỗi người phải báo cáo mỗi ngày về việc:
- Họ có thực hiện hành vi đó hay không
- Tần suất thực hiện hành vi
Kết quả cho thấy, trung bình mỗi người phải mất hơn 2 tháng để cơ thể quen với thói quen mới. Chính xác là từ 18 đến 254 ngày. Ngoài ta, điều này còn phụ thuộc vào nhiều biến số như thói quen, hoàn cảnh.
Những quan niệm sai lầm về việc “rèn” thói quen tích cực mà bạn nên tránh
Kết quả không đến trong một sớm một chiều
Bạn có thể sẽ nản lòng nếu tin vào “định luật 21 ngày”. Rằng mình đã cố gắng nhưng mãi không có biến chuyển. Đừng nản lòng bạn nhé. Lượng thay đổi thì chất mới thay đổi! Đừng vội phán xét bản thân nếu bạn không thể làm chủ một hành vi trong 21 ngày ngắn ngủi. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận đi chậm mà chắc để đạt được thành công và tập trung vào số lần lặp lại của bạn.
Không cần phải hoàn hảo
Mình đã từng đặt ra thử thách 21 ngày chuyển hóa bản thân. Đến ngày thứ 4 thì mình bỏ. Sau đó, mình tự trách bản thân rằng đã phá vỡ “định luật tuyệt đẹp ấy”. Và mình đã phải bắt đầu đi bắt đầu lại hằng mong là sẽ có một chuỗi ngày thực tập liền mạch. Thế nhưng, điều này chỉ làm mình nản.
Thực ra, phạm lỗi một hoặc hai lần cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của cả quá trình nếu như những ngày tiếp theo bạn giữ được kỷ luật. Đây là lý do tại sao bạn nên có thể cho phép bản thân phạm sai lầm và trở lại hướng đi ban đầu thật nhanh.
Hiểu được điều này ngay từ đầu giúp bạn quản lý kỳ vọng của mình dễ dàng hơn và cam kết thực hiện những việc nhỏ — thay vì tự gây áp lực cho bản thân khi nghĩ rằng bạn phải làm tất cả cùng một lúc.
Lời kết: Theo mình mất bao lâu để hình thành một thói quen không thực sự quan trọng. Dù đó là 21 ngày hay 210 ngày thì bắt đầu và duy trì mới là điều quan trọng!